Bình Phước: Sấy khô nông sản, nhiều nông dân vẫn chưa thể tự cứu mình
Trần Khánh
25/11/2021 1:06 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19 khiến măng tươi, nhãn tươi ở Bình Phước rớt giá thảm. Nhiều HTX chọn cách chế biến để tăng thời gian bảo quản. Tuy nhiên việc tiêu thụ măng sấy khô, nhãn sấy khô cũng không hề dễ dàng.
Toàn xã Thanh Lương (TX.Bình Long) có hơn 400ha đất trồng nhãn thì riêng ấp Thanh An đã có 350ha.
Những năm trước, nguồn tiêu thụ của vùng nhãn này chủ yếu là thị trường tỉnh Tây Ninh và Campuchia.
Mùa thu hoạch năm nay rơi đúng vào đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát. Thị trường tiêu thụ gần như đứt gãy.
Người dân xã Thanh Lương (TX.Bình Long) thu hoạch nhãn trong mùa dịch Covid-19 vừa qua. Ảnh: Trần Khánh
Giá nhãn da bò giảm đến 2/3, chỉ còn 5.000-6.000 đồng/kg. Nhiều vườn nhãn không tìm được công hái, chỉ bán ở mức 3.000 đồng/kg.
Gia đình ông Phạm Văn Hùng ở ấp Thanh An từng sở hữu 10ha nhãn da bò. Vài năm trở lại đây, giá cả không ổn định, gia đình ông đã phải cưa bỏ hết 9ha để chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.
Mùa nhãn năm nay, khi giá xuống thấp, gia đình ông Hùng mang toàn bộ bộ 7 tấn nhãn da bò đem ra sấy khô.
"Tôi đem sấy khô chờ bán giá cao hơn để lấy lại phần nào công lao động. Thế nhưng việc tiêu thụ nhãn sấy vẫn còn trầy trật", ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc HTX Nông nghiệp DV-TM Bình Long cho biết, nhãn của ấp Thanh An được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể năm 2019.
Do thị trường tiêu thụ quả tươi khó khăn nên HTX đưa nhãn vào sấy khô, vừa bảo quản được lâu vừa kịp vụ thu hoạch rộ.
Để làm được một ký nhãn sấy khô cần tới 10 kg nhãn tươi. Giá mỗi ký nhãn sấy khô hiện chỉ dao động quanh mức 120.000 đồng/kg.
Dù vậy, đầu ra của nhãn sấy vẫn rất bấp bênh, chủ yếu là bán cho các gia đình thân quen trên địa bàn TX.Bình Long.
10 kg nhãn tươi sẽ cho ra 1 kg nhãn sấy. Ảnh: Trần Khánh
Theo ông Dũng, quy trình sấy khô trái nhãn cũng chỉ mới dừng lại ở việc làm tự phát. Người dân tự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Việc đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm là giải pháp bền vững để nâng cao giá trị cho cây nhãn nơi đây còn đang bị bỏ ngỏ.
HTX Bình Long và người dân mong các cấp chính quyền quan tâm hơn về loại cây ăn trái đặc thù này của địa phương.
"Chúng tôi cần hỗ trợ tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, phát triển công nghệ chế biến nhãn sấy để góp phần nâng cao giá trị cho nhãn tiêu da bò Thanh Lương", ông Dũng nói.
Măng khô Bình Phước chưa tìm được đầu ra ổn định
Măng khô của HTX măng tre Thành Tâm là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của huyện Chơn Thành được công nhận nhận đạt chuẩn VietGAP và có mã truy xuất nguồn gốc.
Nhiều năm qua, cây tre không chỉ giúp cho nông dân của xã Thành Tâm thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu nhờ giá cả ổn định từ 10.000-15.000 đồng/kg. Măng tre trái vụ còn có thể bán với giá 20.000-25.000 đồng/kg.
Người dân xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành thu hoạch măng tre. Ảnh: Đỗ Trình
Thế nhưng mùa vụ năm nay, giá măng tre rớt chạm đáy. Lúc cao điểm bùng phát dịch chỉ còn 1.000 đồng/kg. Người chồng phải chặt bỏ cây măng để giữ vườn tre.
Riêng HTX măng tre Thành Tâm chuyển sang sấy khô để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Kim Thành - Giám đốc HTX măng tre Thành Tâm kể, từ khi cắt măng về gọt sạch, luộc, chế biến và sấy khô chỉ trong vòng 24 giờ nên chất lượng của măng không hề thay đổi, và đảm bảo vệ sinh ATTP.
Cứ 30 kg măng tươi mới sấy được 1 kg măng khô. Giá bán mỗi kg măng khô của HTX là 200.000 đồng/kg.
Toàn bộ sản phẩm của HTX đều được gắn nhãn hiệu và người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc.
Thế nhưng HTX vẫn còn đang tồn đọng gần 2 tấn măng vì không tìm được đầu ra. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kết nối với thị trường.
Sau khi khai thác măng, mỗi ha, nhà vườn còn có thêm nguồn lợi từ hơn 2.000 cây tre mỗi năm. Với 300ha của HTX Thành Tâm, đây là nguồn nguyên liệu sau thu hoạch khá dồi dào để nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản.
HTX măng tre Thành Tâm đang có định hướng xây dựng lò than hoạt tính để tận dụng nguồn nguyên liệu này.
Thế nhưng, ông Thành thừa nhận, năng lực hiện nay của HTX không thể làm được. Nguyên nhân không chỉ bởi kinh phí đầu tư lớn, vượt quá khả năng tài chính mà quan trọng hơn là đầu ra sản phẩm vẫn chưa xác định tiêu thụ ở đâu.
Ông Nguyễn Kim Thành bên vườn tre của hợp tác xã. Ảnh: Trần Khánh
"Chúng tôi đang rất cần cơ quan chức năng hoặc một doanh nghiệp lớn nào đó đỡ đầu, hỗ trợ đầu ra bền vững cho cây tre và cây măng ở địa phương", ông Thành chia sẻ.
Theo ông Phan Xuân Quế - Chủ tịch UBND xã Thành Tâm, các mặt hàng sấy khô đều hướng đến mục tiêu giúp cho nông dân giữ được giá nông sản trong tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, hoạt động của nhiều HTX còn theo tinh thần tự nguyện, dựa vào kinh nghiệm của các thành viên. Trình độ nhân lực và khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa cao.
Các HTX phải cố gắng nâng cao nội lực, tận dụng tốt những lợi thế sẵn có như thương hiệu, nhãn hiệu để quảng bá.
Mặt khác, ông Quế cho biết, các HTX cũng cần được các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tiếp sức, hỗ trợ công nghệ chế biến, tìm kiếm thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị chị cho nông sản.
Dù iPhone 16 vẫn là lựa chọn đáng giá, nhưng những tin đồn xoay quanh iPhone 17, dự kiến ra mắt vào tháng 9 năm 2025, đang dồn dập xuất hiện, hé lộ nhiều nâng cấp đáng chú ý và thay đổi đầy kỳ vọng.
Tại Home Plate BBQ, một nhà hàng theo phong cách Mỹ ở Bắc Kinh, nhân viên đang in lại thực đơn. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có nghĩa là thịt bò Mỹ - một nguyên liệu từng là ngôi sao - sẽ sớm không còn trên bàn ăn.
Thực phẩm chức năng - lĩnh vực tưởng chừng mang đậm yếu tố chăm sóc sức khỏe - đang trở thành "miền đất hứa" cho những quảng cáo sai sự thật, đặc biệt khi có sự góp mặt của người nổi tiếng.
Dù iPhone 16 vẫn là lựa chọn đáng giá, nhưng những tin đồn xoay quanh iPhone 17, dự kiến ra mắt vào tháng 9 năm 2025, đang dồn dập xuất hiện, hé lộ nhiều nâng cấp đáng chú ý và thay đổi đầy kỳ vọng.
Tại Home Plate BBQ, một nhà hàng theo phong cách Mỹ ở Bắc Kinh, nhân viên đang in lại thực đơn. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có nghĩa là thịt bò Mỹ - một nguyên liệu từng là ngôi sao - sẽ sớm không còn trên bàn ăn.
Thực phẩm chức năng - lĩnh vực tưởng chừng mang đậm yếu tố chăm sóc sức khỏe - đang trở thành "miền đất hứa" cho những quảng cáo sai sự thật, đặc biệt khi có sự góp mặt của người nổi tiếng.