Thứ bảy, ngày 12/04/2025 10:00 GMT+7

Chiêm ngưỡng tuyệt tác chạm khắc hơn 400 năm ở Nghè Nguyệt Viên: Rồng chầu, sấu đá sống động như thật

Hữu Dụng Thứ bảy, ngày 12/04/2025 10:00 GMT+7
Trải qua hơn 400 năm, Nghè Nguyệt Viên ở phường Hoằng Quang vẫn giữ được kiến trúc độc đáo, thờ nữ thành hoàng và 11 vị tiến sỹ ở làng khoa bảng nổi tiếng ở xứ Thanh.

Nghè Nguyệt Viên là một di tích lịch sử văn hóa, có kiến trúc nghệ thuật độc đáo của làng cổ Nguyệt Viên, nay thuộc phường Hoằng Quang (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Nghè Nguyệt Viên là nơi thờ cúng Thành hoàng làng công chúa Mai Hoa cùng 11 vị tiến sỹ làng khoa bảng.
Nghè Nguyệt Viên được xây dựng từ năm 1593, căn cứ vào nội dung khắc trên thượng lương bên trong di tích, Nghè Nguyệt Viên được khởi dựng cuối thế kỷ XVI, năm Quý Tỵ, thuộc niên hiệu Quang Hưng triều vua Lê Thế Tông (1593), được trùng tu vào năm Đinh Hợi niên hiệu Minh Mệnh (1827) và sửa chữa tiếp vào năm Bính Thân niên hiệu Thành Thái (1896).
Nghè Nguyệt Viên đã được xây dựng hơn 400 năm và có nhiều nét kiến trúc cổ kính với những họa tiết chạm khắc tinh xảo. Các cột gỗ to, nặng, được dựng đứng trên những phiến đá tảng lớn. Các cột này được chạm trổ tinh xảo, với họa tiết chủ yếu là rồng, phượng, lân thể hiện sự tôn kính các linh vật trong tín ngưỡng dân gian.
Phía trước bậc tam cấp bước vào nghè là cặp đôi sấu đá được chạm trong tư thế đang chồm tới, đầu hơi ngẩng, mắt lồi, mũi thon, miệng rộng, miệng ngậm viên ngọc quý. 
Nghè Nguyệt Viên được trang trí bằng nhiều hoa văn đa dạng như cánh hoa sen, cành liễu, nụ hoa… phủ khắp công trình, tạo nên vẻ đẹp tráng lệ cho ngôi nghè cổ này. 
Nghè Nguyệt Viên là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa triều nhà Lê vua Lê Thế Tông (1593). Ngày nay dù đã nhiều lần được trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên được lối kiến trúc độc đáo xưa. Ông Cao Xuân Mạc, Trưởng Ban quản lý di tích Nghè Nguyệt Viên, cho biết từ xưa, làng Nguyệt Viên đã được biết đến là “làng khoa bảng” hay “làng đại khoa”. Ngày đó, cả xã Hoằng Quang có 22 người đỗ khoa bảng, làng Nguyệt Việt có 11 người, tất cả đều được ghi danh tại Văn Miếu ở Hà Nội và Huế. Người đỗ khoa bảng cuối cùng của làng vào năm 1919 là ông Lê Viết Tạo, làm quan dưới triều nhà Nguyễn.
Nghè Nguyệt Viên có cấu trúc một gian hai chái, bố cục gần giống hình vuông, kết cấu kèo khá đặc biệt bao gồm những mảng chạm khắc nghệ thuật các linh vật chỉn chu đến từng chi tiết. 
Người nghệ nhân xưa khéo léo kết hợp những đường nét hình khối vừa đủ để tạo nên các chi tiết đơn giản tinh tế mang hơi thở của thời đại. 
Tấm văn bia cổ được đặt trước Nghè Nguyệt Viên. Mỗi góc khác nhau ở Nghè Nguyệt Viên là một tác phẩm nghệ thuật của người xưa.
Kiến trúc cầu kỳ đẹp mắt cùng với những đường nét điêu khắc nghệ thuật tinh xảo tạo cho Nghè Nguyệt Viên thêm phần linh thiêng, trang trọng vừa thực sự gần gũi, gắn bó với cuộc sống đời thường của người dân trong làng. 
Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử thời đại hơn 400 năm qua, nhưng những nét kiến trúc cổ kính độc đáo gần như vẫn còn được giữ lại nguyên vẹn toát lên sự sắc sảo, uy nghi bề thế ở vùng đất khoa bảng xứ Thanh. 

Hàng năm, vào mùng 10/2 âm lịch, lễ hội Nghè Nguyệt Viên lại được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa. Lễ hội thu hút đông đảo người dân trong vùng bởi các hoạt động mang tính cộng đồng cao, như đua thuyền trên sông Mã, kéo hẹ, tú huần, hát đối...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.