Hà Nội "hồi sinh" 4 dòng sông "chết" Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét
Bốn con sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét từng là trục tiêu thoát nước quan trọng của khu vực nội đô Hà Nội, đồng thời đóng vai trò trong hệ thống sinh thái đô thị truyền thống.
Báo điện tử của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
Tổng biên tập: Nguyễn Văn Hoài
Phó Tổng Biên tập: Phan Huy Hà (Thường trực), Lưu Phan, Đỗ Thị
Sâm, Hoàng Sơn
Giấy phép hoạt động báo điện tử số 115/GP-BTTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 01/3/2022 và giấy phép sửa đổi, bổ sung số 55/GP-BVHTTDL do Bộ VHTTDL cấp ngày 11/6/2025
Bản quyền thuộc về Báo điện tử Dân Việt.
Mọi hình thức sao chép lại thông tin, hình ảnh phải được sự đồng ý bằng văn bản .
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ở tuổi 84, dù đôi chân di chuyển chậm chạp, thính giác không còn nhạy bén và mái tóc đã bạc như sương, nhưng ông Đỗ Văn Hoan (trú tại xã Hồng Vân, Hà Nội – trước đây thuộc Hà Hồi, Thường Tín) vẫn kiên trì vượt chặng đường hơn 20km bằng xe buýt đến Thư viện Quốc gia Việt Nam để đọc sách, báo mỗi ngày.
Trò chuyện với PV Dân Việt trong khi đôi bàn tay vẫn đang nâng niu tập thơ dài “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (NXB Văn Nghệ Giải Phóng, năm 1974), ánh mắt ông Hoan trở nên tinh anh hơn khi mở đến chương V “Đất nước” trong cuốn sách đã nhuốm màu thời gian.
"Đây là một bài thơ hay mà thế hệ chúng tôi vô cùng yêu thích từ hàng chục năm trước. Đến nay, khi đọc lại tác phẩm này vẫn thấy tâm hồn của một nhà thơ lớn và thông điệp sâu sắc về hình tượng Đất nước đi cùng năm tháng”, ông Hoan nhấn mạnh.
Đánh giá về những tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, nhà thơ Vũ Quần Phương trong bài “Nguyễn Khoa Điềm ngôi nhà có ngọn lửa ấm” - trích tập thơ của Nguyễn Khoa Điềm, NSX Tác phẩm mới, năm 1986 - từng viết: “Người ta yêu chất lý tưởng rất thanh niên hòa quyện trong một tình cảm thắm thiết về nhân dân, đất nước.
Thơ Nguyễn Khoa Điềm hồi ấy trội lên giữa một loạt các nhà thơ trẻ mới xuất hiện ở phẩm chất trí tuệ của cảm xúc với một bút pháp già đặn, chịu tìm tòi. Những bài: “Đồng tiền ngoại ô”, “Con chim trời”, “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”... và nhiều chương trong “Mặt đường khát vọng” đến nay vẫn được coi là những sáng tác tiêu biểu của anh (nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm – PV)”.
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2025), Báo Dân Việt xin phép được đăng tải toàn văn chương V "Đất nước" - trường ca "Mặt đường khát vọng" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và xếp tác phẩm này vào loạt “10 tác phẩm nghệ thuật về hình tượng Đất nước đi cùng năm tháng” (Báo NTNN/Dân Việt lựa chọn 10 tác phẩm này theo tiêu chí của mình - NV).
***
Từ góc nhìn của một đồng nghiệp, nhà thơ Hải Đường - Nguyên Ủy viên Bộ Biên tập Báo Nhân dân khẳng định với PV Dân Việt rằng: “Với tôi, chương V “Đất nước” trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm là tác phẩm hấp dẫn không kém bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi. Tôi đọc bài thơ này khi đang là người lính (tôi nhập ngũ năm 1972).
Bài thơ “Đất nước” được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khai thác dưới lăng kính văn hóa dân gian. Những quan điểm của ông về đất nước như giúp người đọc có thể cầm, nắm, sờ thấy được và nghĩ về nó qua những hình tượng rất cụ thể của văn hóa dân gian”.
Theo nhà thơ Hải Đường, thời điểm sáng tác bài thơ “Đất nước”, Nguyễn Khoa Điềm khi đó còn rất trẻ, vốn là một giáo viên dạy Văn, tốt nghiệp khoa Văn của Đại học Sư phạm. Phong cách thơ của Nguyễn Khoa Điềm khai thác được bề sâu của truyền thống văn hóa dân gian.
“Tôi thấy những bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm sử dụng hoàn toàn là từ ngữ thuần Việt, có cảm giác như ta đang được uống thứ rượu quê tinh khiết, say nồng.
Ông đã khai thác chất liệu văn hóa và khắc họa từ nguồn gốc đến tổ chức đời sống và xã hội Việt Nam, thể hiện qua những đặc trưng phong tục, tập quán. Điều đó được thể hiện rõ nét trong những câu thơ:
"Đất Nước bắt đầu từ miếng trầu bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”.
Từ đó, tác phẩm làm nổi bật lên những giá trị phẩm chất, cốt cách và tâm hồn của người Việt Nam, không giống với bất kỳ đất nước, dân tộc nào trên thế giới, nhưng với giọng điệu rất tâm tình, quen thuộc. Người ta hay nói, những câu thơ như là “trời cho”, vụt hiện trên mặt giấy, chính là chất dân gian đã ngấm vào trong tâm hồn, trong trái tim thi sĩ”, nhà thơ Hải Đường nhận định.
Lý giải điểm đặc biệt trong bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Biên tập Báo Nhân dân cho rằng, chất sử thi, văn hóa và vùng miền địa lý được hòa quyện nhuần nhuyễn trong tác phẩm này.
“Cả ba miền Bắc – Trung - Nam đều xuất hiện trong bài thơ “Đất nước” như: “Núi Vọng Phu” ở tỉnh Lạng Sơn; “Hòn Trống Mái” ở Thanh Hóa; “Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại” gợi đến vùng Sóc Sơn (Hà Nội); “Chín mươi chín con voi” gợi đến địa danh núi Hi Cương (Phú Thọ) - nơi thờ các vua Hùng; “Núi Bút, non Nghiên” ở Quảng Ngãi…
Đặc biệt, câu thơ: “Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm” gợi nhớ đến dòng Cửu Long. Tôi cảm nhận những con rồng trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm thật thú vị - “Những con rồng nằm im” để góp dòng sông xanh thẳm, nhưng rồng sẽ ngẩng đầu dậy vươn mình khi nào đó cần thiết.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng nhắc đến địa danh như “Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm” - phần máu thịt, văn hóa của đồng bào Nam Bộ, cho thấy tâm tưởng sâu lắng của ông. Đọc thơ, cảm thấy như chúng ta đang cùng ngồi trên một chiếc xuồng, chiếc ghe, ngồi bên cạnh là cô gái chở đầy lúa gạo trên mặt nước nổi từng gợn sóng. Cô gái ấy mang khăn rằn với những câu hò, điệu lý hát vọng lên trong tâm tưởng người đọc bài thơ này.
Tôi cho rằng, những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm góp phần lý giải cho chúng ta tìm về nguồn gốc, quá trình lớn lên của dân tộc. Từ dân gian, tác giả của “Đất nước” khai thác phát triển thành những chuyện lớn lao. Từ khởi đầu truyền thống văn hóa, Nguyễn Khoa Điềm dẫn người đọc đến tư tưởng “Đất nước này là Đất nước của Nhân dân”, nhà thơ Hải Đường bày tỏ.
Nếu nói một câu bao trùm sự tinh túy của bài thơ “Đất nước” - nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thì tôi nghĩ câu đó chính là: "Đất nước này là Đất nước của Nhân dân". Cuộc đời của mỗi người dân hóa núi, hòa mình vào sông, nước như cách Nguyễn Khoa Điềm viết: “Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”. Có thể nói, bài thơ có phẩm chất lãng mạn cách mạng, bộc lộ phẩm chất sáng ngời của tinh thần dân tộc trong cuộc kháng chiến của con người Việt Nam. Tóm lại, đọc bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm, chúng ta đã tìm thấy ở đây cả một kho tri thức văn hóa dân gian. Người đọc được tư duy từ quá khứ đến tương lai, bắt đầu từ chi tiết rất cụ thể, đời thường và gần gũi.
Nói về bối cảnh ra đời của chương “Đất nước” trong “Mặt đường khát vọng”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết, tác phẩm được Nguyễn Khoa Điềm viết ở vùng căn cứ tại Thừa Thiên Huế. “Trường ca này góp phần kêu gọi, cổ vũ học sinh, sinh viên đứng lên đấu tranh bảo vệ đất nước, bảo vệ văn hóa dân tộc. Trong "Mặt đường khát vọng" có nhiều chương, mỗi chương gắn với một nhiệm vụ khác nhau. Riêng chương “Đất nước”, tác giả muốn nói với thế hệ thanh niên ở vùng tạm chiến thời điểm đó rằng: Hãy hiểu đất nước và yêu đất nước.
Đất nước ở đây được hiểu trên hai bình diện: Không gian (tên núi, tên sông, tên đất, tên làng…) và thời gian (từng lớp người):
“Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau…”
Toàn bộ bài thơ “Đất nước” tôi thích đọc chính vì cảm hứng nồng nàn, sự yêu mến lịch sử, văn hóa, giúp người trẻ thấu hiểu hơn về đất nước mình. Tôi đã đọc bài thơ này rất nhiều lần, thuộc lòng và cảm nhận được tác động mạnh mẽ của nó trong nhiều hoàn cảnh.
Cụ thể, tôi đã đọc “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm từ khi tôi vào lính, đứng trước chiến sĩ hải quân (năm 1978), đọc bài thơ khi đứng ở biên giới phía Bắc, ở Lũng Cú - nơi con sông Nho Quế chảy khi bên đây sông là Việt Nam – bên kia sông là Trung Quốc…”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên bày tỏ.
Chia sẻ với PV Dân Việt về kỷ niệm sâu sắc nhất khi đọc “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên kể: “Mùng 6 Tết năm 2024, tôi có dịp đến làng Lô Lô Chải của đồng bào dân tộc Lô Lô tại Hà Giang. Khi được người trưởng thôn đưa trống đồng của dân tộc Lô Lô ra giới thiệu, tôi đã rất cảm kích và đã đứng lên đọc toàn bộ chương “Đất nước” trong trường ca “Mặt đường khát vọng” trước sự chứng kiến của đông đảo người dân và rất nhiều bạn trẻ. Tôi nhớ khi đọc xong, có một bạn trẻ nói với tôi rằng: “Ông ơi! Ông đọc hay quá, con nghe mà cảm thấy rung động cả người. Nói thật với ông, 12 năm học, con không thích văn, nhưng khi nghe ông đọc “Đất nước”, con thấy cảm xúc quá!".
Khi Báo Dân Việt chọn “10 tác phẩm nghệ thuật về hình tượng Đất nước đi cùng năm tháng” có thể trong mỗi người sẽ có sự lựa chọn riêng. Nếu cá nhân tôi lựa chọn “tác phẩm nghệ thuật về hình tượng Đất nước đi cùng năm tháng” thì tôi cũng sẽ chọn ba bài thơ mang tên “Đất nước” như Báo Dân Việt, nhưng có thể tôi sẽ chọn những bộ phim khác, bài hát khác... Tôi đánh giá, đây là cách làm hay của Báo Dân Việt giúp cho bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ có sự liên kết lại khi theo dõi xuyên suốt loạt bài này để tìm ra được chủ đề, tư tưởng, cảm hứng lớn. Loạt "10 tác phẩm nghệ thuật về hình tượng Đất nước đi cùng năm tháng" có tác dụng đưa ra cách nhìn của Báo Dân Việt dựa trên tiêu chí là “những tác phẩm văn chương nghệ thuật lấy cảm hứng về đất nước, nhân dân”, góp phần truyền dạy lòng yêu nước, đồng thời nhắc nhở trách nhiệm của người dân với đất nước. Đồng thời, giúp cho những ai ít đọc, ít hiểu có thêm sự hiểu biết hơn về đời sống văn học, quá trình các văn nghệ sĩ gắn bó với đất nước và làm ra những tác phẩm có sức sống bền bỉ với thời gian.
Chương V "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được Báo Dân Việt đăng toàn văn từ cuốn "Mặt đường khát vọng" thơ dài (NXB Văn Nghệ Giải Phóng, năm 1974) hiện lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó...
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng mình hài hoà nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...
*
**
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên.
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau 4.000 năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...
Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào 4.000 năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong 4.000 lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu
Ôi những dòng sông bắt nước từ lâu
Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi
Người dạy ta nghèo ăn cháo ăn rau
Biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi
Cái cuốc, con dao, đánh lừa cái tuổi
Chén rượu đánh lừa cơn mỏi, cơn đau
Con nộm nang tre đánh lừa cái chết
Đánh lừa cái rét là ăn miếng trầu
Đánh lừa thuồng luồng xăm mình xăm mặt
Đánh lừa thằng giặc là chuyện Trạng Quỳnh
Nhưng lạ lùng thay, nhân dân thông minh
Không hề lừa ta dù ca dao, cổ tích
Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời
Dẫu phải khi cay đắng dập vùi
Rằng cô Tấm cũng làm về hoàng hậu
Cây khế chua có đại bàng đến đậu
Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta
Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa
Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa
Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa
Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào
Ta nghẹn ngào, Đất Nước Việt Nam ơi!...
*
**
Ta lớn lên khao khát những chân trời
Những mảnh đất chân mình chưa bén được
Những biển khơi chứa mặt trời đỏ rực
Những ngàn sao trôi miết giữa màu xanh
Ôi có cách gì ta được ngắm những bình minh
Buổi vũ trụ chớp bùng nên sự sống
Và ánh sáng trên chiếc xe vàng chuyển động
Bỗng một ngày ấm áp kể ta nghe
Về những con người của thiên thể xa xôi
Muốn bầu bạn với con người Trái đất
Ôi phút đó ta vùng lên ngây ngất
Muốn ôm choàng hết tất cả trời mây
Trái tim ta nặng trĩu những mê say
Sẽ gieo xuống làm âm vang mặt đất...
Nhưng em ơi, cái điều trông đợi nhất
Vẫn những gì có thể có hôm nay
Từ hôm nay, trên mảnh đất ta đây
Ta nắm nó như sợi mây vững chãi
Rồi rút dần từ cánh rừng vĩ đại
Của cuộc đời hằng nuôi dưỡng chúng ta
Và diệu kỳ thay! Ta bỗng lóa bất ngờ
Ta đã thấy cuộc đời vô hạn
Giữa đất đai, nhân dân, bè bạn
Ta tìm ra ánh sáng của Con Người
Những Con Người làm sông núi sáng tươi...
*
**
Những địa danh trôi từ thuở xa xôi
Trôi bằng máu và trôi bằng nước mắt
Đã đọng lại thành tên người, tên đất
Bao năm rồi suốt mặt phá, triền sông
Nhưng không có con người nào đã trôi hết sâu nông
Bằng những người dân miền Tây nghèo khổ
Đây không biển thì rừng làm biển cả
Một biển xanh với cồn sóng ngút trời
Họ bám mình vào tấm rẫy nổi trôi
Rồi gục chết dưới màu xanh vĩnh viễn
Cuộc đời họ mênh mang bất định
Chỉ đó nghèo bám riết lấy màu da
Ôi mây trắng ngang đầu, gió dưới rừng xa
Đất Nước ở đâu? Đâu là Đất Nước?
Kờ-ruồng Kù tiệt!
Kờ-ruồng Kù tiệt!
Tiếng suối hay tiếng chim?
Tiếng người hay tiếng chiêng?
Tiếng đá lăn, cây đổ?
Thác gào hay đá nổ?
Kờ-ruồng Kù tiệt!
Kờ-ruồng Kù tiệt!
Đất Nước! Đất Nước!
Đất Nước trên miệng ta rồi
Trong tim ta mang
Trên chân ta bước
Đất Nước! Đất Nước!
Cả núi rừng thét lên đồng loạt!
Đó là năm dưới thời giặc Pháp
Chúng hất hàng chục chòi Tà-ôi ra khỏi bản đồ
Đẩy họ vào những cánh rừng xanh không Tổ quốc
Chính lúc đó
Lửa đã cháy lên!
Lửa ngàn đời từ mỗi bếp cháy lên!
Đốt nhà! Ta đốt hết nhà!
Địu con lên lưng vác giáo lên vai
Đánh trăm chiếc cồng xuyên thủng núi
Mắt người già quắc lên cho đàn trẻ theo
Ta đạp rừng nhằm phía Đông bươn tới!
Ôi ta về nguồn! Về nguồn!
Kờ-ruồng Kù tiệt!
Kờ-ruồng Kù tiệt!
Đất Nước! Đất Nước!
Ôi ta về theo Đất Nước
Ta không chịu làm người dân không Đất Nước
Không Việt Nam
Biển rừng gào lên như muốn níu chân ta
Biển rừng không cuốn ta vào vô định nữa
Ta làm con suối rừng biết tìm sông mà tới
Ta làm con nai biết tìm lối mà về
Mặt trời mọc, mặt trời chỉ hướng
Ôi lòng ta có mặt trời soi
Ta trở về Đất Nước Tổ tiên ơi!...
Và hôm nay
Khi bom thằng Mỹ tới
Cắt ngang những nóc nhọn nhà làng
Chôn những nhà mồ vào đất bụi
Ta đánh lên tiếng cồng
Ta gọi vang rừng vang núi
Đất Nước!
Ta đánh lên tiếng chiêng cho cả Bắc Nam cùng nghe được!
Nghe tấm lòng người Tà-ôi, Pa-kô, Cà-tu
Thuỷ chung Đất Nước
Rồi ta quăng cồng dưới suối
Rồi ta thu chiêng dưới cây
Ta đi
Trong tiếng cồng không dứt
Trong tiếng chiêng không tắt
Ta đi
Trong âm vang yêu nước
Ta đi với rựa và tên
Rựa ta mài vào gỗ thành nương
Tên ta gài xuống đất thành bẫy
Thằng Mỹ vào thì xác mà để đấy!
Thằng ngụy vào thì xác nó đừng chôn!
Cho cháu con ta, ai sau nữa, được nhìn!
Ôi Đất Nước đầu mũi dao
Đất Nước đầu mũi tên
Đất Nước đầu tiếng chiêng
Đất Nước là ngọn lửa
Đất Nước tràn lên từng đỉnh núi
Đất Nước thiêng liêng...
*
**
Đêm nay ta lên hết mặt sông Hồng!
Nước đánh động dưới chân ta rồi
Đất Nước
Đang gọi ta từng hồi trống thúc
Đất Nước xoáy nhào tim ta
Ký ức
Đất Nước muôn đời đang vặn mình, đang sôi...
Chúng ta là người dân miền Nam
Nhung tôi biết anh gốc gác họ Hoàng Kinh Bắc
Còn tôi họ Nguyễn tỉnh Đông
Huyết thống ta trôi trên bán đảo âm thầm
Hôm nay bỗng réo sôi từng hồi từng trận
Khi cơn lũ đang lao qua châu thổ sông Hồng!
Ta lên hết mặt đê sông Hồng!
Dẫu chỉ bằng tâm tưởng
Ở đâu đó ta không còn nhớ nữa
Sao tổ tiên ta cầm cuốc, cầm cày
Cầm giáo, cầm khiên và cất tiếng hát lưu đày
Để xa châu thổ từ độ ấy...
Ôi những gốc tre tổ tiên ta từng thấy
Vẫn còn nguyên trên bờ bãi sông Hồng
Lúa lên xanh trên những cánh đồng
Cũng có tay cha ông in vào trong lúa
Sâu thẳm quá cho đến từng mái rạ
Cũng có dáng một ngày cha ông khăn gói bước ra
Ôi những gì Người đã ước mơ
Thì bây giờ đã trĩu cành nặng quả
Và những gì ta mơ cho miền Nam ta nữa
Ngay bây giờ cũng thơm lá thơm hoa
Nên hôm nay chúng ta
Phải lên hết đê sông Hồng mà giữ lấy!
Đất Nước
Phải chặt tre, đóng cọc mà giữ lấy!
Đất Nước
Phải đan phên, đổ đất mà giữ lấy!
Đất Nước
Phải phá nhà, chặt cây vườn vác ra mà giữ lấy!
Đất Nước
Phải neo người xuống sông, chặn nước mà giữ lấy!
Đất Nước
Đất Nước không thể trôi được!
Máu xương, mồ mả tổ tiên đã trôi đi
Những dòng họ đã trôi đi
Nhưng hôm nay không thể nào trôi được!
Đất Nước
Đang gầm lên trong sóng gió ngất trời
Hàng chục triệu thước khối nước đang lao vào mặt đất
Cuộc xáp trận của vật chất muốn đè vật chất
Của thiên nhiên đè xuống con người
Ta vươn mình gánh lấy đất đai
Ta ném máu xương ta vào làm vật cản
Tất cả ý chí và sinh mạng
Phải được vai dựa vào vai, đùi gối lên đùi
Đẩy con đê sông Hồng tiến lên phía trước
Thắng giặc Mỹ hay thắng giặc nước
Đều nhất tề xung phong!
Sơn Tinh đang nhìn ta lo lắng đăm đăm
Cả nhân loại đang nhìn ta cổ vũ
Con cháu ta mai sau hối hả lật từng trang lịch sử
Ngợp trước con đê sông Hồng lên cao, lên cao...
Chào 4.000 năm! Con đê như một cánh tay cao
Của thế trận những người làm chủ
Làm chủ cuộc đời và lướt từng đỉnh lũ
Bảo vệ miền Bắc, chi viện miền Nam!
Mẹ Việt Nam ơi!
Đêm nay con về gối đầu trên cánh tay của Mẹ
Ôi cánh tay rắn rỏi, dịu hiền
Lấm láp bùn lầy nhưng ấm áp niềm tin
Đó là hai cánh đê sông Hồng của Mẹ
Mẹ phả vào mặt con nồng nàn mùi sữa
Của những đồng xa nguyên vẹn như mùa
Con đã đi xa từ thuở ấy đến giờ
Nay bọn Mỹ còn cắt chia Đất Nước
Nhưng đêm đêm con trở về thân thuộc
Ngủ trên cánh tay Mẹ hiền từ cay đắng nuôi con
Trong tháng năm chớp bể mưa nguồn
Ru con lớn và làm người thương Mẹ...
*
**
Đã có một thời
Ai muốn vào châu Mỹ La-tinh
Đến trước vịnh Ca-ra-íp
Sẽ không cần dùng địa bàn
Cứ nhìn những xác da đen
Trôi bập bềnh trên biển
Những xác da đen chỉ hướng
Đưa anh vào “mảnh vườn sau” của chủ nghĩa thực dân
Đã có một thời
Ai muốn đến Việt Nam
Cứ theo gót những đàn ngựa phương Bắc
Hay chữ thập trên tàu buôn nước Pháp
Các bạn sẽ tìm ra Việt Nam
Bởi vì ngày ấy
Nước chúng tôi chưa có trên bản đồ thế giới
Ngôn ngữ loài người chưa biết hai chữ “Việt Nam”
Và dẫu bạn đến đây
Chỉ có những tên đô hộ phủ, toàn quyền
Đứng ra tiếp bạn
Nhưng hôm nay
Bạn hãy đi theo những đoàn đi bộ tuần hành
Mang những lá cờ sao vàng
Ở Pa-ri, ở Mát-xcơ-va hay Oa-sinh-tơn
Ở Rôm, ở Xan Chi-a-gô hay Xtốc-khôm
Bạn sẽ đến được Việt Nam tôi đó
Bởi vì Việt Nam hôm nay
Nằm giữa lòng thế giới
Nằm trong tim nhân loại
Nằm trên con đường dẫn ta tới giá trị Con Người...
Bởi vì Việt Nam hôm nay
Là Việt Nam chống Mỹ
Chúng tôi gánh trên vai hành trang nặng nề của thế kỷ
Để bạn bình tâm bước vào ngưỡng cửa Tự do...
Bạn đến đây
Đã có Bác Hồ
Và Nhân dân tôi sẵn sàng đón bạn
Dẫu Người đi vắng
Bạn có thể đến nhà Người thăm một khóm hoa
Rồi cùng nhân dân tôi trò chuyện
Nhân dân tôi đầy tình yêu mến
Đã được Người dặn dò trước phút đi xa...
Bạn hỏi vì sao chúng tôi yêu quý Bác Hồ
Bởi vì Người là Người đầu tiên
Về với Đất Nước chúng tôi
Mang chủ nghĩa Mác-Lênin
Chứa trong trái tim yêu nước nhất
Khi Người đặt tay lên
Hòn đất Việt Nam đầu biên giới
Thì từ đó
Đất không phải là đất nữa
Đất là chiến hào
Đất là cạm bẫy
Đất là hoa trái
Nuôi chúng tôi, che chúng tôi cầm súng lên đường!
Có Người, chúng tôi có lại Hùng Vương
Có lại dáng búp sen nghìn năm của chùa Một Cột
Và những búp sen miền Nam tận bùn lầy Đồng Tháp
Có Người, cũng đã thành thơ
Có Người, mỗi mũi tên đồng Cổ Loa
Không chịu vùi dưới đất
Không nằm yên trong viện bảo tàng
Chúng bay lên xé gió thời gian
Mở hết đường bay qua thăng trầm lịch sử
Để cắm vào đầu giặc Mỹ!
Có Người, pho Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt
Biết toả hào quang từ hàng chục cánh tay
Có Người, pho Bồ Tát triều Lý chỉ còn đầu
Vẫn nguyên vẹn trong lòng chúng tôi nhờ búi tóc thời vua Hùng để lại
Và pho Kim Cương trên đôi chân vững chãi
Dẫu mất đầu vẫn giữ một dáng đứng Việt Nam
Đấy, Đất Nước chúng tôi đổ vỡ biết bao lần
(Cả những pho từ bi cũng không ngoài hoạn nạn
Nhưng có Người, những cái mất đi phải trả về hình dáng)
Quá khứ được nhìn từ đôi mắt Hôm Nay
Và Hôm Nay từ đôi mắt Ngày Mai
Chúng tôi sống bằng Tương lai một nửa
Bằng tình yêu vô hạn những con người
Như Hôm Nay nhìn Đất Nước cắt đôi
Chúng tôi đã thấy ngày hàn gắn...
Bởi vì Người là người đầu tiên
Yêu miền Nam trong trái tim mình
Yêu tuổi trẻ miền Nam 25 năm
Chưa có được ngày hạnh phúc
Mà Người dạy chúng tôi
Hãy bền gan đánh giặc
Dẫu phải chết cũng không khuất phục:
“Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do!”
Chúng tôi là con cháu Bác Hồ
Có nghĩa là chúng tôi giống Bác
Những gì còn non nớt
Chúng tôi học tập để sống, chiến đấu như Người
Bởi vì Người là Đất Nước của chúng tôi
Mỗi sợi tóc trắng của Người đều ghi ngày gian khổ nhất
Của Đất Nước, những năm dài đánh giặc
Đôi dép của Người mòn vẹt gót
Người đã đi những ngả đường Đất Nước hành quân
Trái cà Người ăn
Cũng là trái cà nuôi người anh hùng đầu tiên - Thánh Gióng
Cây gậy Người cầm
Cũng có thể tìm trong trăm ngàn gậy vượt Trường Sơn
Ý chí của Người
Ý chí toàn dân tộc
Lý tưởng của Người
Sự sống chúng tôi mang...
Hồ Chí Minh - Việt Nam
Bạn và tôi cùng gọi
Hồ Chí Minh - Việt Nam
*
**
Em nghe không trái thị đã rơi xuống tay Người
Trái không chỉ rơi vì sức hút đất đai
Trái rơi vì tay Người ao ước
Khi trái chạm tay Người và Người ấp ủ
Thì lừng hương và cô Tấm bước ra
Đi trả thù và sống Tự do...
Không rơi xuống bùn, ôi trái thị quê ta
Để bùn lấm và thành bùn vạn kiếp
Rơi vào tay Người, đó là định luật
Của đấu tranh và nhân nghĩa Việt Nam
Tuổi trẻ ơi trong sương gió tháng năm
Ta đã lớn rồi, chín đầy hy vọng
Hãy ngã xuống tay Nhân dân, hỡi sắc vàng của nắng
Hỡi hương thơm của nồng mặn mồ hôi..
Hãy ngã vào tay Nhân dân, đừng vãi đừng rơi
Đừng do dự, đừng hoài nghi nữa
Hãy yêu Nhân dân và nghe Người nhắn nhủ
Hãy tìm sức mạnh mình trên cơ thể Nhân dân
Nhân dân đang đi lên đội ngũ trùng trùng
Thế vô tận của nghìn năm giết giặc
Lửa đã cháy hồng hào mặt đất
Mùa chín tình yêu, mùa chín hận thù!
- Không bao giờ xương máu phải bơ vơ
Ôi sông núi nghi ngàn dặm đất
Có nghe tiếng chúng con: Xin có mặt
Nguyện làm người xung kích của quê hương
Đây tiếng hát chúng con: Tiếng hát xuống đường!
Để mạch nguồn cảm xúc về loạt "10 tác phẩm nghệ thuật về hình tượng Đất nước đi cùng năm tháng" được lan tỏa và tiếp nối, đặc biệt trước dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Báo Dân Việt trân trọng mọi góc nhìn và mong nhận được những bình luận, phản hồi từ quý độc giả xa gần. Mọi ý kiến của quý độc giả xin gửi về địa chỉ mail: [email protected]
Trước việc có nhiều bài viết trái chiều nhau trên mạng xã hội về việc kêu gọi đặc xá cho ông Đinh La Thăng, gia đình ông ủy quyền cho luật sư ra thông cáo khẳng định không nhờ ai viết bài, đăng tin.
Bốn con sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét từng là trục tiêu thoát nước quan trọng của khu vực nội đô Hà Nội, đồng thời đóng vai trò trong hệ thống sinh thái đô thị truyền thống.
Một số người Ukraine biết ơn Nga vì các cuộc không kích vào các trung tâm tuyển dụng trên lãnh thổ (TRC), tờ báo Đức Focus đưa tin.
Nghị định số 209/2025/NĐ-CP ngày 21/7/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Nghị định của Chính phủ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng.
Mặt đường lầy lội, chi chít ổ voi ổ gà khiến người dân sống ven tuyến đường khốn đốn vì “nắng bụi, mưa bùn”, thậm chí phải đóng cửa, ngừng kinh doanh. Nguyên nhân là do tuyến đường trăm tỷ Nam Cao nối dài (phường Hòa Khánh, TP.Đà Nẵng) thi công dang dở vì vướng giải phóng mặt bằng.
Nằm ở độ cao 800–1500m, Mù Cang Chải (trước thuộc tỉnh Yên Bái nay là tỉnh Lào Cai) quanh năm mây phủ, khí hậu trong lành, rừng nhiều cây thuốc quý, hoa rừng nở bốn mùa. Đây là điều kiện để người dân phát triển nghề nuôi ong lấy mật, mở ra hướng đi giúp bà con tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững. (Phóng sự được thực hiện trước ngày 01/7/2025)
Theo kế hoạch triển khai thi hành Luật Cán bộ, công chức năm 2025, việc bố trí công chức vào vị trí việc làm và xếp ngạch tương ứng với vị trí việc làm phải được thực hiện trước ngày 1/7/2027.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Campuchia tại lượt trận cuối bảng B giải vô địch U23 Đông Nam Á 2025, HLV Kim Sang-sik khẳng định đội tuyển U23 Việt Nam sẽ có sự chuẩn bị thật tốt để giành chiến thắng tại vòng bán kết, dù phải đối diện với đối thủ nào.
Các tổ chức Nga có thể thay thế Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) sau khi cơ quan này bị Tổng thống Mỹ Donald Trump giải thể, theo National Interest.
Từ chiếc loa bên trong chứa 3 viên ma túy, cảnh sát phát hiện Hùng và Nhân mua ma túy về cất giấu ở phòng trọ, rồi "xé lẻ" bán kiếm lời.
Chú Thuận là bạn đồng niên với ông trẻ tôi khi còn ở làng quê Hải Hưng. Hai người cùng nhập ngũ nhưng tham gia các mặt trận khác nhau: chú Thuận vào chiến trường miền Nam (chiến trường B) còn ông trẻ tôi nhận nhiệm vụ ở chiến trường nước bạn Lào (chiến trường C).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 119 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với mưa lũ trên lưu vực sông Cả.
Chiều 22/7, đoạn bờ bao cống Cù Là ở xã Hồng Vũ, tỉnh Hưng Yên mới (Hồng Vũ là một xã của huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình trước sáp nhập) đã xảy ra hiện tượng tràn bờ, 200 người đã được huy động để khắc phục sự cố này.
TP. Đà Nẵng phê duyệt Phương án đấu giá quyền sử dụng đất tại dự án Tổ hợp công trình Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng tại phường Ngũ Hành Sơn.
Cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 30km, điều gì khiến một làng quê làm hương truyền thống lại trở thành “điểm đến trong mơ” của khách Tây mê trải nghiệm văn hóa bản địa?
Theo thống kê của Statista, người Việt Nam đã chi 100 tỷ USD giao dịch tài sản số dù chưa có khung pháp lý, trong khi lượng kiều hối chảy nước năm 2024 khoảng 16 tỷ USD. Nếu có sàn giao dịch tài sản số và dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế) được thông qua, số tiền này sẽ bị đánh thuế như chứng khoán.
Trên con đường lầy lội giữa ngày mưa tại Quảng Trị, cô giáo Nguyễn Thị Huệ đã vượt hơn 50km để mang những bộ quần áo mới đến với học sinh nghèo tại thôn Trùm, xã A Dơi. Những phần quà ấy không chỉ giúp các em có thêm quần áo mặc để vui bước đến trường, mà còn là lời động viên ấm áp, thắp lên hy vọng cho một năm học mới nhiều niềm vui.
Bắt giữ "nữ quái" chuyên "cướp bia"; một cán bộ phường tử vong bên đường; 2 đối tượng nước ngoài vận chuyển 17kg ma tuý đá và 6.000 viên ma túy tổng hợp... là những tin nóng 24 giờ qua.
TP. Hà Nội mới thông báo tìm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Uy Nỗ - Việt Hùng nằm tại xã Đông Anh.
Chị Trần Thị Thu Hương là một trong số rất ít người trẻ ở xã Tân Tây (tỉnh Tây Ninh mới) còn theo nghề chưng cất tinh dầu tràm từ cây tràm gió. Chị mong muốn gìn giữ và phát triển cái nghề đã tồn tại hàng chục năm của quê mình.
Một con cá voi bất ngờ xuất hiện săn mồi tại khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) khiến nhiều người xem thích thú.
Ẩn mình giữa thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh cũ, cách TPHCM 100km, nơi giao hoà bản tình ca giữa núi non hùng vĩ và rừng xanh ngan ngát, hồ Núi Đá-Ma Thiên Lãnh toát lên vẻ đẹp vừa hoang sơ, kỳ bí vừa nên thơ, dịu dàng như một “Đà Lạt thu nhỏ” của vùng đất phương Nam.
Sở hữu đường bờ biển dài trên 310 km, trải dọc từ biển Đông xuống tận biển Tây, vịnh Thái Lan, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, tỉnh Cà Mau là một trong những địa phương hội tụ đầy đủ tiềm năng và lợi thế để phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp điện gió.
Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn phường Sóc Trăng, TP Cần Thơ (sau sáp nhập tỉnh Hậu Giang, TP Cần Thơ, Sóc Trăng) chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang các cây trồng mới hiệu quả kinh tế cao, như trồng sen lấy củ, trồng rau ngò gai...
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc ưu tiên sắp xếp, bố trí nơi ở cho cán bộ, công chức cấp xã sau sáp nhập đơn vị hành chính, đảm bảo ổn định đời sống và công việc, hiện tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đều có phương án, chính sách phù hợp, linh hoạt và kịp thời, tạo điều kiện tốt nhất giúp cán bộ yên tâm công tác.
Nhiều phụ huynh đang mắc phải 1 sai lầm trong việc nuôi dạy con.
Tư Mã Luân ép Tư Mã Trung nhường ngôi cho mình. Tư Mã Luân lại phong cho Tư Mã Trung một chiếc mũ là “Thái thượng hoàng“, là ông của Tư Mã Luân, tức Tư Mã Luân thừa kế cháu trai Hoàng đế Tư Mã Trung, gọi cháu Tư Mã Trung là Thái thượng hoàng!
Ngọn lửa bùng phát dữ dội, bao trùm kho phế liệu rộng khoảng 1.000 m² ở xã Bà Điểm, sau đó lan sang một xưởng gỗ gần đó, tối 22/7.
Phát hiện tiệm vàng đang vắng người, nghi phạm tiến đến gần khống chế chủ, dùng búa đập vỡ tủ kính gom vàng nữ trang rồi lên xe tẩu thoát.
Nếu Phù Tô sống và kế vị Tần Thủy Hoàng, có lẽ nước Tần sẽ có một vận mệnh hoàn toàn khác. Một người có tư tưởng khoan dung, biết can gián vua cha, lại có kinh nghiệm nơi biên ải, chắc chắn sẽ điều hành quốc gia một cách mềm dẻo, lấy lòng dân làm gốc, thay vì tàn bạo, mù quáng như Tần Nhị Thế.
Những người sinh vào 5 ngày Âm lịch đặc biệt này thường mang trong mình khí chất nhân hậu, sống có tâm có đức, hậu vận viên mãn, an nhàn hưởng lộc.