Qua hơn 100 năm (từ 1807 đến 1919) nhà Nguyễn mở các khoa thi Nho học để kén chọn nhân tài, rất nhiều sĩ tử xứ Quảng đỗ đạt, nổi danh thiên hạ và tạo ra những tích lớn đối với triều đình và đất nước.
Đặc biệt với học vị Tiến sĩ, mãi đến khoa thi Hội năm Mậu Tuất (1838), dải đất 6 tỉnh trải dài từ Quảng Nam vào đến Ninh Thuận mới có người đỗ tiến sĩ, đó là Lê Thiện Trị.
Lê Thiện Trị (1796 - 1872) người thôn Tây Trung An, xã Long Phước Đông, tổng Mỹ Khê, huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn (nay thuộc khối phố Long Xuyên 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, cha và ông nội đều là những nho sĩ đỗ tú tài. Cha ông là Lê Thiện Quang - Tri huyện Hòa Vang, mẹ ông là con gái của Tuyên phủ sứ Hà Lam, huyện Lễ Dương.
Tuy nhiên, Lê Thiện Trị lại phải trải qua một thời tuổi thơ gian khó khi mồ côi mẹ và chịu cảnh “mẹ ghẻ con chồng”.
Sau khi cha ông bị bãi chức (do huyện đường bị cháy, ấn quan cũng bị thất lạc), khiến gia cảnh càng thêm khó khăn. Nhiều năm Lê Thiện Trị phải mưu sinh bằng nghề dạy học.
Thuở nhỏ, Lê Thiện Trị có tên là Lê Thiện Minh, sau đổi thành Lê Thiện Chánh, đến năm 15 tuổi cụ cố lại cho đổi thành Lê Thiện Trị.
Cha ông bảo rằng, đổi tên nhiều lần như thế là để sáng tỏ tư tưởng dòng họ mình là “Quang minh chính đại” và phải lấy đức thiện mà sống ở đời.
Với tư chất thông minh hiếu học, thuở nhỏ học cha, sau mới đến học ở trường, đồng thời học rộng, hiểu biết về lẽ đời, từ thuở thiếu thời đã hình thành trong ông tính cách cương trực ngay thẳng, có ý chí.
Năm 17 tuổi (1813), Lê Thiện Trị đi thi lần đầu và đỗ nhị trường, đến năm Tân Tỵ (1821) đỗ tú tài.
Các khoa kế tiếp vào năm Ất Dậu (1825) ông cùng cha đi thi nhưng đều chỉ đỗ tú tài (sau khi bị bãi chức, cha ông muốn tiếp tục hoạn lộ bằng khoa cử nhưng bất thành).