Ngay trong tác phẩm “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn, tuy có ghi chép về sự việc này nhưng cũng khá qua loa, không đưa ra nguyên nhân cơ bản.
Sách ghi: “Năm Bính Thìn niên hiệu Nguyên Phong (tức triều Trần Thái Tông - 1256) lại chia người tứ chiếng làm Kinh, người Ái Châu và Hoan Châu làm Trại, lấy đỗ hai Trạng nguyên; một ở Kinh, một ở Trại và Bảng nhãn, Thám hoa, lại lấy 43 người đỗ Thái học sinh…
Năm Bính Dần niên hiệu Thiệu Long (tức triều Trần Thánh Tông - 1266) lấy đỗ hai Trạng nguyên, hai Thám hoa và 47 Thái học sinh. Năm Ất Hợi niên hiệu Bảo Phù (1275) lại hợp Kinh và Trại làm một, lấy ba tên đỗ Tam khôi và 27 tên đỗ Thái học sinh…”.
Ngay trong việc phân chia Kinh - Trại cũng có nhiều lời giải thích khác nhau. “Việt sử cương mục tiết yếu” có ghi: “Bắt đầu phân chia Kinh, Trại. Từ Thanh Hóa trở vào là Trại, trở ra là Kinh”.
Sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” giải thích là do lúc ấy chia tứ trấn làm Kinh, Thanh Nghệ trở vào làm Trại nên mới có sự phân biệt trong chọn người đỗ đạt như vậy.
Sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, hay “Lịch triều hiến chương loại chí” phần “Dư địa chí” (Phan Huy Chú) và “Sử học bị khảo” (Đặng Xuân Bảng)… không thấy việc chia Kinh - Trại thời Trần.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi rằng, từ thời Lý năm Canh Tuất (1010), Thanh Hóa, Nghệ An đã được gọi là Trại, sau đổi là Châu. Đến thời vua Trần Thái Tông nhà Trần, năm Quý Sửu (1253) lại đổi ra Trại.
K.W.Taylor ghi lại nhận xét trong tác phẩm “A History of the Vietnamese” như sau: Theo sự phân biệt đầu tiên được tường trình dưới thời Trần, nhiều người Kinh cảm thấy có giá trị khi họ là một phần của vương quốc phương Bắc, riêng người Trại thì không.
Vì thế, vào thập niên 1420, sau khi Chu Đệ băng hà, hoạt động kháng Minh tích cực trong nhóm người Trại tại các phủ phía Nam… Thời Trần, thuật ngữ Kinh – Trại biểu trưng hai xu hướng khác nhau trong lĩnh vực thực hành văn hóa và ngôn ngữ…