Thứ năm, ngày 17/04/2025 15:09 GMT+7

"Lá chắn" bảo vệ 73 mục tiêu ngoại giao trọng yếu ở Hà Nội có gì đặc biệt?

Phạm Hưng Thứ năm, ngày 17/04/2025 15:09 GMT+7
Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu cơ quan đại diện Ngoại giao (thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động - Bộ Công an) là lực lượng quan trọng, đảm bảo an ninh tại các khu vực trọng yếu như cơ quan ngoại giao, đại sứ quán, cơ quan nhà nước... Hiện nay, với 73 mục tiêu cần bảo vệ và 119 vọng gác, Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu đang triển khai lực lượng trên phạm vi rộng, bao phủ 7 quận và 22 phường của Thủ đô Hà Nội.

Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu cơ quan đại diện Ngoại giao (thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động - Bộ Công an) ra đời trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị trên thế giới, khu vực diễn biến phức tạp với các hoạt động phá hoại vũ trang, đe dọa khủng bố, thực hiện âm mưu chiến lược diễn biến hòa bình. Trong ảnh, lực lượng Cảnh sát bảo vệ mục tiêu trụ sở Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (quận Ba Đình, Hà Nội). 
Do đặc thù thực nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu ngoại giao, đại sứ quán các nước nên các cán bộ, chiến sĩ đều được tuyển chọn có ngoại hình cân đối và trình độ kỹ, chiến thuật nghiệp vụ tốt để luân phiên thực hiện nhiệm vụ canh gác 24/24 mục tiêu.
Cán bộ đốc gác có nhiệm vụ nắm vững vị trí, phương án bảo vệ, kiểm tra vũ khí, công cụ hỗ trợ, tổ chức giao nhiệm vụ, dẫn đổi gác, và đảm bảo an toàn mục tiêu.
Thượng tá Phạm Văn Nho - Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu cơ quan đại diện Ngoại giao (thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động - Bộ Công an) kiểm tra vọng gác cơ quan đại diện Ngoại giao Úc tại Hà Nội. 
Thượng tá Phạm Văn Nho - Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu cơ quan đại diện Ngoại giao cho biết, để đảm bảo an toàn các mục tiêu, bên cạnh việc làm tốt các công tác nghiệp vụ cơ bản, chúng tôi còn xây dựng cơ sở bí mật phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, công an thành phố Hà Nội để nắm tình hình hoạt động, phương thức của các loại tội phạm, nhất là các tổ chức khủng bố, thế lực thù địch, chống phá nhà nước.
Mỗi phiên gác 2 tiếng, bất kể thời tiết, những chiến sĩ bảo vệ mục tiêu ngoại giao luôn phải túc trực 24/7 bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các mục tiêu.
Trong công tác huấn luyện, Ban Chỉ huy Trung đoàn thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, tăng cường “rèn cán, luyện quân” và nâng cao nội dung huấn luyện với phương châm: “bài bản, nề nếp, cơ bản, thiết thực, vững chắc”, kết hợp với “đồng bộ, chuyên sâu” sát với yêu cầu thực tế chiến đấu.
Trong đó, tập trung huấn luyện về chính trị, pháp luật, kỹ, chiến thuật, võ thuật, bắn súng, sử dụng thành thạo các loại công cụ hỗ trợ, trang thiết bị nghiệp vụ, phòng cháy, chữa cháy, rèn luyện thể lực, tăng sức bền, sức chịu đựng...
Do tính chất đặc thù bảo vệ cơ quan ngoại giao nước ngoài đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải chú trọng giữ hình ảnh đẹp, nên cơ sở vật chất tại Trung đoàn được đầu tư khá khang trang và đầy đủ tiện nghi.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường xuyên phân công chỉ huy các cấp thực hiện việc kiểm tra, giám sát cán bộ, chiến sĩ để kịp thời chấn chỉnh nghiệp vụ, tư thế, tác phong ngay cả trong giờ sinh hoạt thường ngày ở đơn vị.
"Để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trung đoàn đã căn cứ kế hoạch cấp trên để chủ động xây dựng lực lượng ứng trực, sẵn sàng ra quân thực hiện nhiệm vụ. Đối với các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp bảo vệ mục tiêu, đơn vị tổ chức tập huấn, thực hiện phương án, xử lý mọi tình huống có thể xảy ra", Thượng tá Phạm Văn Nho - Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu cơ quan đại diện Ngoại giao khẳng định.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.