1. Nước lũ dần biến mất, kéo theo sự sụt giảm trong sản lượng lúa và cá, đẩy con người di cư sang vùng khác
Đỉnh lũ tại Tân Châu và Châu Đốc năm 2020 chỉ còn khoảng 60% so với đỉnh lũ năm 2002. Từ nay, ĐBSCL phải đợi từ 50 đến 100 năm mới có một mùa lũ lớn. Trong vòng 15 năm, lượng cá đánh bắt ở An Giang giảm 2 phần 3. Diện tích đất trồng lúa ở Cà Mau giảm 30.000 ha, tương đương 42.000 sân bóng đá. Năm 2019-2020, nước mặn không những xâm nhập sâu hơn trước 10 km, mà còn tới sớm hơn và rút đi chậm hơn so với trung bình hàng năm. Từ năm 2006, do nhiều rủi ro và chi phí đắt đỏ trong canh tác nông nghiệp, tỷ lệ di cư ra khỏi châu thổ Cửu Long nhiều hơn ở các vùng miền khác.
2. Mùa nước nổi đã trở thành dĩ vãng
Mùa lũ ở ĐBSCL bắt đầu từ 15/6 và kết thúc vào 30/11 hàng năm (Theo Điều 5, khoản 27d, Quyết định 18/2021/QĐ-Ttg về Truyền tin thiên tai). Năm 2021, chúng ta lại chứng kiến một mùa lũ thấp, nối tiếp hơn 10 năm liền không có lũ lớn chảy về châu thổ Cửu Long.
Nước sông Mê Công chảy vào Việt Nam qua hai dòng sông Tiền và sông Hậu. Theo số liệu từ các trạm đo ở Tân Châu (đầu nguồn sông Tiền) và Châu Đốc (đầu nguồn sông Hậu), mực nước cao nhất ở các con sông này đã giảm xuống hàng năm trong gần hai thập kỷ. So với mực nước trung bình giai đoạn 2002-2019, mực nước cao nhất năm 2019 giảm khoảng 25% ở Tân Châu và khoảng 20% ở Châu Đốc.
3. Thủy điện tích nước gây mất lũ
Sông Mê Công chảy qua 5 quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Cam-pu-chia trước khi vào Việt Nam. Đây là những nước đang phát triển và có nhu cầu lớn về thủy điện.
PGS TS Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cho biết: “Nước lũ tại ĐBSCL phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu sử dụng nước và năng lượng của các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công. Khi nhu cầu về nước tưới và năng lượng ở thượng nguồn càng nhiều thì rõ ràng nước về ĐBSCL càng giảm”.
Có tới 95% tổng lượng nước tại ĐBSCL là từ phía thượng nguồn Mê Công chảy về. Nhưng số nước đó đang bị tích trữ trong hàng trăm hồ, đập thủy điện ở phía thượng nguồn.
4. Thủy điện tích nước trong mùa mưa và xả nước trong mùa khô, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên
Theo PGS TS Nguyễn Nghĩa Hùng, nguyên tắc của thủy điện là tích và sau đó xả nước, dùng chênh lệch cột áp để tạo ra năng lượng. Thủy điện thường tích nước trong mùa mưa, và xả nước khi nhu cầu dùng điện tăng cao, thường là trong mùa khô.
Do đó, nước sông sẽ không lên xuống tự nhiên theo mùa mưa hoặc mùa kiệt như trước, mà lên xuống theo nhu cầu vận hành thủy điện.
Thủy điện ở thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy ở hạ nguồn, là vùng ĐBSCL của chúng ta, dẫn đến mức nước sông Tiền, sông Hậu đang hạ dần độ cao. Tình hình sẽ trầm trọng hơn trong tương lai khi các quốc gia ở thượng nguồn xây thêm nhà máy thủy điện và tăng công suất thủy điện.
Theo tính toán của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ nay, tại ĐBSCL, tần suất xuất hiện lũ lớn tương tương với chu kỳ lặp lại khoảng từ 50 tới 100 năm.
Lũ lớn là lũ trên báo động 3, tương đương với 4.5m ở Tân Châu và 4m ở Châu Đốc.
5. Tăng thủy điện, tăng mối lo
Tới năm 2021, thượng nguồn sông Mê Công có 141 nhà máy thủy điện đang vận hành. 36 nhà máy thủy điện khác đang được xây dựng, dự kiến sẽ được đưa vào vận hành từ năm 2023. Trong một thập kỷ nữa, tới năm 2032, sẽ có 468 nhà máy thủy điện hoạt động trên sông Mê Công.
Công suất thủy điện cũng tăng liên tục. Tới năm 2032, công suất thủy điện trên sông Mê Công sẽ tăng gần gấp đôi so với hiện nay.
Đa số các thủy điện không nằm trên lãnh thổ Việt Nam nhưng đang tác động xấu tới điều kiện sinh sống của hơn 17 triệu người dân vùng ĐBSCL.
Sạt lở đất cũng là mối đe dọa thường trực tại ĐBSCL và sẽ trở nên nghiêm trọng hơn do nước sông không còn nhiều phù sa như trước đây. Một nghiên cứu về thay đổi môi trường và di cư tại vùng ĐBSCL, do TS Nguyễn Minh Quang, giảng viên Đại học Cần Thơ hướng dẫn thực hiện, cho thấy, trong năm 2016, tổng cộng có 980 km ven biển và ven sông bị sạt lở nghiêm trọng, khiến 121 gia đình mất nhà ở. Nghiên cứu này còn ước tính, tới năm 2016, mỗi năm nước biến cuốn trôi 800 ha đất ven biển và rừng ngập mặn ở vùng ĐBSCL.
6. Biến đổi khí hậu gây ra thời tiết khắc nghiệt hơn, mưa tăng hơn trong mùa mưa, và giảm hơn trong mùa khô
5% lượng nước trong ĐBSCL phụ thuộc nhiều vào lượng mưa. Tổng lượng mưa xuống Việt Nam không thay đổi đáng kể từ năm 1960 trở lại đây, nhưng một số khu vực tại ĐBSCL có tổng lượng mưa tăng trong mùa mưa và giảm trong mùa khô.
Ví dụ, tại tỉnh Kiên Giang, trong năm 2020, lượng mưa trong mùa mưa tăng gần 30%, lượng mưa trong mùa khô giảm trên 30% so với trung bình giai đoạn 2017-2019.
Tương tự, tại tỉnh Cà Mau, trong năm 2020, lượng mưa trong mùa mưa tăng trên 10%, lượng mưa trong mùa khô giảm trên 25% so với trung bình trong hai thập kỷ vừa qua, giai đoạn 2000-2019.
Lượng nước mưa giảm nhiều trong mùa khô khiến cho điều kiện canh tác nông nghiệp trong mùa khô càng trở nên khó khăn hơn.