Thứ sáu, ngày 18/04/2025 14:01 GMT+7

Nút giao thông ở Hà Đông "sống chung với cảnh ùn tắc" chuẩn bị được xây cầu vượt gần 900 tỷ đồng

Nhật Minh Thứ sáu, ngày 18/04/2025 14:01 GMT+7
Nút giao đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông, Hà Nội) và quốc lộ 6 hàng ngày luôn có một lượng phương tiện giao thông lớn qua lại. Cảnh ùn tắc giao thông, xếp hàng dài chờ đèn đỏ thường xuyên xảy ra tại nút giao này, nhất là vào giờ cao điểm.

UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1993/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt nút giao đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) và Quốc lộ 6. Theo Quyết định, Dự án đầu tư với quy mô xây dựng cầu vượt với quy mô 4 làn xe trên đường Lê Trọng Tấn - đường Văn Khê; xây dựng cầu vượt có nhịp chính và nhịp dẫn bằng thép, tổng chiều dài toàn cầu khoảng 883m.
Đồng thời, xén hè để mở rộng phần đường xe chạy, tổ chức lại giao thông, đèn tín hiệu phạm vi nút giao và xây dựng, di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật, cây xanh đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, hàng ngày, số lượng phương tiện lưu thông qua nút giao này rất lớn. Các phương tiện đổ về từ nhiều hướng như Đại lộ Thăng Long đi Cienco 5 để ra Quốc lộ 1 và Quốc lộ 6. Hai bên đường nhiều khu đô thị, khu chung cư cao tầng "án ngữ" khiến nút giao này luôn trong tình cảnh ùn tắc nghiêm trọng, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Chị Trần Phượng (Hà Đông) cho biết: "Nút giao này kết nới với nhiều tuyến đường trọng điểm nằm bên lề trung tâm thành phố. Các phương tiện qua lại rất lớn, đặc biệt nhiều xe có tải trọng lớn. Phía bên trên còn có đường sắt trên cao, vai trò của nút giao này không khác gì nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi là mấy. Nếu được xây cầu vượt sẽ giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao này".
Hình ảnh tuyến đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) từ lâu đã phải dành một làn đường để cho xe bus nhanh BRT hoạt động. Trong giờ cao điểm sáng và chiều tối, người tham gia giao thông phải xếp hàng dài, đợi nhiều nhịp đèn mới có thể qua được nút giao này.
Cũng tại nút giao này, một cầu vượt dành cho người đi bộ được xây dựng từ lâu, giúp người đi bộ sang đường bớt nguy hiểm và không phải chờ đèn tín hiệu. UBND TP giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP làm chủ đầu tư. Dự án thuộc nhóm B với tổng mức đầu tư dự kiến là gần 880 tỷ đồng, thực hiện giai đoạn 2026-2028.
Nếu dự án được xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng thì nút giao thông này sẽ có 3 tầng gồm làn đường lưu thông hiện tại, đường sắt trên cao và cầu vượt.
Đối với các hạng mục di chuyển công trình ngầm nổi, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, quá trình triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư cần liên hệ với cơ quan quản lý chuyên ngành để được thỏa thuận đảm bảo khớp nối hệ thống hạ tầng của dự án với hạ tầng chung của khu vực, hạn chế việc di chuyển cây xanh, thỏa thuận các vấn đề liên quan đến tuyến đường sắt đô thị số 7 theo quy định tại Nghị định của Chính phủ.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.