Thứ ba, ngày 08/04/2025 10:43 GMT+7

Tại sao không khí Hà Nội lại ô nhiễm top đầu thế giới?

Anh Hoan - Khổng Chí Thứ ba, ngày 08/04/2025 10:43 GMT+7
Hôm nay (8/4), chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội đạt ngưỡng gần 200, top đầu thế giới. Nhiều người tỏ ra khó chịu khi ra đường.
Ứng dụng đo chỉ số ô nhiễm không khí IQAir lúc 10h sáng nay xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm số 2 thế giới với chỉ số AQI mức 185. Xếp trên Hà Nội là thành phố Kathmandu.
Tại Hà Nội, những khu vực được các trạm đo ô nhiễm nhất (chỉ số AQI gần 200 - ngưỡng nguy hại cho sức khỏe con người) gồm huyện Thạch Thất, Phú Thượng (Tây Hồ), Tây Hồ...
Với chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại như hôm nay, người bình thường cần tránh các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn. Đóng cửa sổ, cửa ra vào nhà để hạn chế, tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm.
Khu vực quận Hà Đông, Thanh Xuân mù mịt do khói bụi, ô nhiễm, sương mù trong sáng ngày 8/4.
Mặc dù đến khoảng hơn 10h sáng nay, Hà Nội xuất hiện ánh nắng, nhưng không thể xóa tan đi lớp sương mù dày đặc do ô nhiễm tạo ra.
Hình ảnh cầu Long Biên.
Đường Phạm Hùng.
Ra đường vào hôm nay, người dân có thể cảm thấy sự khó chịu. Trẻ em được bố mẹ trang bị thêm chiếc khẩu trang.
 Người dân tập thể dục, vận động mạnh đeo khẩu trang tại công viên Mai Dịch.
Theo chuyên gia môi trường, mấy ngày nay các tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có Hà Nội xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt, đêm và sáng sớm trời chớm rét, ngày hửng nắng, tốc độ gió thấp không khuếch tán được chất ô nhiễm.
Ngược lại toàn bộ chất thải, bụi mịn PM2.5 phát sinh bị ép xuống bầu khí quyển tầng thấp, tạo thành màn sương mờ đục vào buổi sáng, thậm chí cả ngày, nồng độ chất ô nhiễm ở mức cao ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Trong ảnh, cầu Long Biên mù mịt những ngày qua.
Về đêm, Hà Nội cũng rất mù mịt.
Khu vực đường Trần Phú, Nguyễn Trãi...
... hồ Văn Quán lúc 11h đêm ngày 7/4.
AQI là chỉ số theo dõi chất lượng không khí dao động từ 0-500, chỉ số càng cao thể hiện mức độ ô nhiễm và tác động đến sức khỏe càng cao. Theo một báo cáo hồi năm 2023 của Ngân hàng Thế giới, hơn 40% dân số Thủ đô đang “phơi nhiễm” với nồng độ bụi PM 2.5 cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và cao hơn nhiều so tiêu chuẩn quốc tế do WHO quy định.

Trả lời báo chí khi nhận định về tình trạng trên, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, đây không phải là hiện tượng bất thường. Về nguyên nhân, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam phân chia ra 2 yếu tố chính; bao gồm các nguồn thải của Hà Nội và một số tỉnh lân cận chưa được kiểm soát và sự tác động bất lợi từ thời tiết.

“Trong 2 yếu tố này, thời tiết chúng ta không thể điều khiển được. Cách kiểm soát chính là phải làm sao hạn chế các nguồn ô nhiễm. Ở đây, chúng ta cần xác định các nguồn này bao gồm khói thải từ giao thông, bụi từ các công trình xây dựng hay nạn đốt rơm rạ”, TS Hoàng Dương Tùng phân tích.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng lưu ý, khi chất lượng không khí bị suy giảm như những ngày qua, người dân cần hết sức cảnh giác với bụi siêu mịn PM 2.5. Theo ông Tùng, trong môi trường, có rất nhiều loại bụi như bụi tổng, bụi PM10, bụi PM2.5, bụi PM1, bụi nano. Chúng được phân loại dựa vào kích cỡ của từng loại theo đơn vị micromet.

“Hiện nay, thế giới đang lo ngại với PM2.5 hay còn được gọi bằng cái tên khác là bụi mịn. Với đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, tức là các hạt này bé hơn 1/30 so với sợi tóc của chúng ta. Bụi PM2.5 được gọi là sát thủ vô hình vì chúng có kích thước nhỏ, chứa nhiều thành phần độc hại, nên khi hít thở nó xâm nhập sâu vào phổi ảnh hưởng đến hệ hô hấp, máu, gây nhiều bệnh như nhồi máu tim, ung thư,… Cần phải lưu ý rằng, không giống như bụi thô, PM2.5 không bị những loại khẩu trang phổ thông ngăn chặn”, TS Hoàng Dương Tùng cảnh báo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.