Đình Hữu Bằng được xây dựng năm 1689, và trải qua một cuộc trùng tu lớn vào năm 1826. Ngôi đình cổ Hữu Bằng tọa lạc tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.
Thế nên, người xứ Đoài mới có câu ca: “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Nủa Chợ”. Đình cổ 9 thôn Nhắc tới Hữu Bằng không thể không nhắc tới ngôi đình cổ đã hiện hữu hơn 300 năm trên mảnh đất Kẻ Nủa. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến, đình Hữu Bằng cũng là một trung tâm văn hóa đáng chú ý của xứ Đoài xưa – khi “9 thôn chung một ngôi đình”.
Thường thì mỗi thôn làng xưa đều dựng riêng cho mình một ngôi đình, nhưng 9 thôn làng ở Hữu Bằng mới chung nhau một đình, thể hiện tinh thần cộng đồng làng xã gắn kết được hun đúc từ xa xưa vẫn luôn bền chặt.Theo các cụ cao niên, cái hay cái đẹp nằm ngay chính ở tên làng xã: Hữu Bằng. Hai chữ ấy lấy từ Kinh Thi trong câu “Hữu bằng, hữu dực, hữu hiếu, hữu đức, khải đễ quân tử, tứ phương vi tắc”, có nghĩa là: Có sự tin cậy, có hiếu hạnh, đạo đức. Hai chữ Hữu Bằng đảo ngược là Bằng Hữu mang hàm ý chỉ những người đồng chí hướng và đồng điệu.
Theo bài văn khắc trên câu đầu dầm ngang chính, thì đình Hữu Bằng được xây dựng năm 1689, nghĩa là đến nay đã 335 năm. Từ ngoài đi vào, phía trước đình là ao sen thơm ngát, tiếp theo là tấm bình phong gồm 4 cột trụ nhỏ, chia thành 3 ô tường, trổ hình chữ và cây, rồi đến tam quan chính với 2 cột trụ lớn và 2 cửa phụ ở hai bên.
Đi vào phía trong, hai bên sân gạch rộng là hai dãy tả, hữu vu, mỗi dãy đều gồm 7 gian; bộ khung gỗ bào trơn đóng bén; tường xây, đầu hồi bít đốc.
Tòa đại đình nhìn hướng Tây, gồm đại bái và hậu cung bố trí theo hình chữ “đinh” (chuôi vồ), cơ bản vẫn giữ được kiểu dáng kiến trúc thế kỷ 17.
Bốn bề đại bái thông thoáng, hai bên có bục gỗ, xung quanh là lan can con tiện. Trong lần trùng tu lớn năm 1826 đã đắp thêm hình tượng “lưỡng long chầu nguyệt” trên nóc, làm thêm một phần hậu cung.