Bản thân anh thấy Việt Nam thay đổi thế nào?
- Tôi về Việt Nam sinh sống lâu dài từ 2013, và từ đó chỉ về Mỹ thăm gia đình đôi ba lần. Tôi nhận thấy, về chính trị vị thế Việt Nam rất cao trong khu vực và trên trường quốc tế. Trong nước tiềm năng của lực lượng trẻ rất to lớn, 45 năm là 2 thế hệ, họ lớn lên không bị những yếu tố lịch sử đè nặng, họ hướng tới tương lai. Các vùng quê trở nên tiềm năng về kinh tế. Việt Namđi theo chiều hướng tốt trong 2 thập kỷ phát triển vừa qua. Những người ở hải ngoại nênxem lại sao họ không về Việt Nam làm giàu, an trú, tìm kiếm thông tin xem tại sao Việt Nam làm tốt như vậy, trong khi ở hải ngoại có khi lạc hậu, có khi kinh tế không bằng.

Nước Mỹ đứng đầu thế giới về mọi phương diện, giá trị về chính trị rất đặc biệt. Người Mỹ gốc Việt có thể tham gia chính trường Mỹ, thành thị trưởng, nghị viên cấp tiểu bang, nếu đoàn kết họ có thể trở thành nghị sĩ cấp liên bang, phấn đấu cho cộng đồng người Việt, có thể làm nên chính sách có lợi cho Việt Nam. Nếu Việt Nam tranh thủ được điều đó, nếu tạo điều kiện cho họ về, sẽ tạo nên sức mạnh chính trị quan trọng. Vì tính đặc thù của cộng đồng nên cộng đồng rất có tiềm năng, 2 -4 năm một lần ứng cử viên người Việt có cơ hội tham gia chính trường nước Mỹ. Đã có một lực lượng người Mỹ gốc Việt, người trẻ, nhà khoa học… tiềm năng là ở đó, không chỉ là vấn đề kinh tế. Ở Australia, ở Đức người gốc Việt đã có những đại diện quan trọng trên chính trường. Nếu có thiện chí kết nối với họ thì điều đó rất có lợi cho đất nước.
Tại sao anh lại về Việt Nam sống?
- Nói đúng ra thì tôi là công dân toàn cầu, tôi rất thích đi và trải nghiệm những nơi sống khác nhau, trải nghiệm các nền văn hóa. Tạm thời bây gờ là về Việt Nam sống. Tôi sẽ đi đến nơi nào có người Việt ở khắp thế giới, sẽ dành thời gian sống ở đó để quan sát người Việt sống và thực hành văn hóa thế nào, để có thể đối chiếu thực tế, khách quan hơn. Hơn nữa, nguyện vọng của tôi khi về Việt Nam là thuyết phục bố mẹ tôi về đây an hưởng tuổi già. Có thể sau dịch Covid-19 qua đi bố tôi sẽ đồng ý, sẽ về quê ở Vụ Bản, Nam Định. Điều đó đem lại niềm vui cho chúng tôi, mẹ tôi yếu không di chuyển được, nhưng bố về cũng là tâm nguyện của chúng tôi. Bố tôi đã về Việt Nam một lần năm 2015 khi tôi cưới vợ, tôi đã đưa bố tôi về quê, gặp người làng người quê cũ và ông rất vui.
Thật kỳ lạ là anh từ một người chống cộng, trở thành một cây viết cho báo chí trong nước và còn được giải thưởng báo chí thông tin đối ngoại, báo chí xây dựng Đảng...
- Thay đổi nhận thức giống con cá vượt vũ môn. Tôi đã trải qua thực tế của Việt Nam, trong đó, năm 2019, thực hiện chuyến đi cả tháng trời với 2 chị từng là cựu tù binh cách mạng đến những nhà tù cũ, tôi nhận thấy, lịch sử Việt Nam có những tầng lớp dù đã đọc trên sách báo, nhưng nếu tận nơi trải nghiệm mới thấy sự quý giá của hòa bình hôm nay. Tôi từ một ngòi bút hý họa chống cộng mà thành một nhà báo đưa tin trung thực khách quan về đất nước là quá trình khó khăn, một chuyển biến biến đáng ngạc nhiên.
Tôi đưa được bố mẹ tôi về quê hương sống, có gia đình ở Việt Nam, rồi tôi sẽ đi các nước khác, sẽ sang Châu Âu, tiếp tục những bước phiêu lưu tỏa mãn say mê, lý tưởng của mình. Tôi thấy mình kết nối được với nhiều người, những kết nối như có cơ duyên. Dù tôi theo công giáo nhưng gần đây tôi thấy đạo Phật phù hợp với mình hơn, thấy quá trình tự giác ngộ, tìm hiểu mình, các triết lý nhân quả, có trước có sau đúng với mình và tôi đang có xu hướng tìm hiểu thêm về đạo Phật.
Văn hóa, cội rễ Việt Nam luôn trong trái tim Nguyễn Quang Trường. Từ 2017 anh trở lại con đường báo chí truyền thông, tập hợp những người bạn làm kênh truyền hình VHVNTV, đi khắp các vùng miền lắng nghe cuộc sống của người dân, ghi nhận những câu chuyện, những khác biệt văn hóa. Từ cuộc họp thượng đỉnh Mỹ -Triều tại Hà Nội đầu năm 2019 tới nay, kênh của anh hoạt động rất mạnh, có trên 100.000 người đăng ký theo dõi, có sức lan tỏa khắp nơi, được cả trong nước và ngoài nước ủng hộ; với khoảng 1.500 video clips.