TT-Huế: Vì sao Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy bị bắt?
Liên quan đến vụ ông Hoàng Phước Toàn - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy (thuộc Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế) cùng một thuộc cấp bị bắt, ngày 3/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã cung cấp thông tin cụ thể về sai phạm của những người này.

Ông Hoàng Phước Toàn- Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ông Hoàng Phước Toàn- Giám đốc và ông Nguyễn Đăng Phong- Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo cơ quan công an, sau khi xảy ra 2 vụ cháy rừng thuộc lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy quản lý, ông Hoàng Phước Toàn với vai trò là người đứng đầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy đã không chỉ đạo cấp dưới thực hiện đánh giá thiệt hại sau cháy theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình lập phương án, thiết kế khai thác tận thu gỗ rừng cháy, ông Toàn không tổ chức kiểm tra, giám sát, quản lý quá trình thực hiện hợp đồng của 2 đơn vị thiết kế, thẩm định; không chỉ đạo kiểm tra, đối chiếu số liệu giữa hồ sơ thiết kế khai thác và hồ sơ quản lý của đơn vị. Ông Toàn cũng không thực hiện việc đánh giá kết quả thẩm định cùng đơn vị thiết kế, đơn vị thẩm định nhưng vẫn ký xác nhận vào các biên bản thẩm định và ký tờ trình đề nghị Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt phương án và dự toán khai thác tận thu 157,87 ha rừng thông.

Cơ quan công an thực hiện lệnh khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đăng Phong- Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy.
Điều này thể hiện sự thiếu trách nhiệm của ông Toàn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao dẫn đến gây hậu quả thiệt hại tài sản của nhà nước.
Ông Nguyễn Đăng Phong là người được ông Toàn giao kiểm tra các hợp đồng, biên bản thẩm định, là người ký tắt vào các văn bản để trình ông Toàn ký xác nhận. Ông Phong đã tham mưu cho ông Toàn ký 2 tờ trình đề nghị Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cho chủ trương khai thác tận thu 157,87 ha gỗ rừng cháy năm 2021 và phê duyệt phương án, dự toán tận thu gỗ rừng cháy năm 2021.

Ông Lê Hồng Khanh- Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư vấn dịch vụ nông nghiệp Lâm Phát (giữa) đã bị khởi tố, bắt tạm giam vào tháng 12/2022.
Khi tham mưu ông Toàn ký các văn bản, tờ trình đề nghị Sở NNPTNT cho khai thác, tận thu với căn cứ là 2 biên bản kiểm tra của Hạt Kiểm lâm Hương Thủy, ông Phong đã không thực hiện đúng các quy định. Quá trình ký kết hợp đồng thiết kế với Công ty TNHH MTV tư vấn dịch vụ nông nghiệp Lâm Phát, ông Phong đã không tham mưu thực hiện kiểm tra năng lực, khả năng của doanh nghiệp thiết kế mà vẫn ký tắt đề nghị ông Toàn ký kết hợp đồng.
Khi ký kết biên bản thẩm định, dù thực tế không diễn ra như trong biên bản đã nêu, không thực hiện 3 bên cùng nhau, không kiểm tra nhưng ông Phong vẫn ký tắt để trình ông Toàn ký xác nhận, dẫn đến sai phạm.
Trước đó, vào tháng 12/2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố bị can, bắt tạm giam nhiều người về hành vi "Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy.

Công an lấy lời khai ông Lê Hạ- Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và thiết kế nông lâm nghiệp (trực thuộc Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế).
Những người bị khởi tố, bắt tạm giam gồm ông Lê Hạ - Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và thiết kế nông lâm nghiệp (thuộc Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế), Trương Ngọc Đức - nhân viên điều tra quy hoạch rừng thuộc Trung tâm Quy hoạch và thiết kế nông lâm nghiệp và ông Lê Hồng Khanh - Giám đốc Công ty TNHH MTV tư vấn dịch vụ nông nghiệp Lâm Phát.
Theo kết quả điều tra, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV tư vấn dịch vụ nông nghiệp Lâm Phát và Trung tâm Quy hoạch và thiết kế nông lâm nghiệp để thiết kế, thẩm định phương án khai khác, tận thu 157,87ha gỗ rừng trồng (cây thông) bị thiệt hại do cháy rừng vào năm 2021 tại xã Phú Sơn, phường Thủy Châu và phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy.
Các cá nhân thiết kế, thẩm định thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng quy trình thiết kế, thẩm định được ban hành theo Quyết định số 1382/QĐ-UBND ngày 26/6/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trương Ngọc Đức- nhân viên điều tra quy hoạch rừng của Trung tâm Quy hoạch và thiết kế nông lâm nghiệp tại cơ quan công an.
Từ hồ sơ này, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy đưa tài sản ra đấu giá khai thác tận thu 157,87ha gỗ rừng trồng. Giá khởi điểm theo quyết định tổ chức đấu giá 157,87ha gỗ rừng trồng chỉ hơn 4,3 tỷ đồng.
Tổng doanh thu đã khai thác, bán ra hơn 22 tỷ đồng, trong khi doanh thu theo phương án được phê duyệt chỉ là 6,3 tỷ đồng. Ngoài ra, còn 10,9ha rừng thông ở xã Phú Sơn chưa khai thác. Do công tác phát hiện, đấu tranh và phong tỏa kịp thời của công an nên đã giữ lại được 10,9 ha rừng thông đang phục hồi này.
Cơ quan công an xác định hành vi của các cá nhân trong thiết kế, thẩm định phương án và dự toán khai thác tận thu 157,87ha gỗ rừng gây thiệt hại cho nhà nước hơn 5,6 tỷ đồng.