Điều khiến tôi mê mẩn Vespa cổ không chỉ đến từ những chiếc xe, mà lại đến từ những người chơi xe ấy. Hầu hết họ đều không giàu có, nhưng lại là tay chơi bởi sự chân thành, cởi mở, khoáng đạt và rộng rãi...
Tôi mê mô-tô từ thuở mới lên 10. Lý do đầu tiên là vì hay được ngồi sau lưng xe các ông anh trong nhà đi săn bắn. Ngày ấy chỉ sang đến Bắc Ninh, Bắc Giang là đã có những cánh đồng, những bãi ruộng hoang vu để bắn chim.
Vào dịp cuối năm từ tháng 8 đến tháng 12 thường có rất nhiều chim ngói. Săn cả ngày được mấy bịch chim, tôi ngồi sau mô-tô ôm "chiến lợi phẩm".
Tối về mấy anh em bữa nào bắn được nhiều thì ngồi ngay cổng nhà nướng chim, rồi nấu với miến; bữa nào bắn được ít thì nấu cháo, có hôm nửa đêm rồi còn húp cháo xì xụp, ngon như một bữa tươi thịnh soạn thời bao cấp thiếu chất vậy.
Tác giả Vũ Hùng bên chiếc Vespa cổ. (Ảnh: NVCC).
Thế rồi, hình ảnh những chiếc mô-tô với những khẩu súng săn 2 nòng của các ông anh in đậm trong tâm trí tuổi thơ tôi hơn cả truyện cổ Grim và cổ tích Andersen được đọc hồi đó.
Lớn lên tôi cũng chơi không thiếu một loại xe mô-tô gì, kể cả xe thùng 3 bánh. Cứ mấy ông anh trong nhà có xe gì là tôi tập nghịch xe đó.
Dạo tôi còn đi làm dưới đường Hoàng Quốc Việt vẫn còn đi xe GL 400 phân khối cùng chú em Chí Tín. 30 năm trước, xe GL 400 có thể nói là sánh ngang với Harlay Davidson Iron 1200 bây giờ. Tôi rất thích đi đường gặp bọn cướp giật để tốc ga đuổi kỳ cùng quanh Hà Nội ra tới ngoại thành để bắt bằng được giao nộp công an, sướng như mèo vờn chuột.
Nhưng rồi cuối cùng tôi lại thích nhất chơi Vespa cổ. Ngoài lý do nhà có cái cổng rất tiện cho dựng xe Vespa, thì mình mê nhất là cộng đồng chơi Vespa cổ, chứ không hề vì a dua sự hoài cổ nào hết.
Điều khiến tôi mê mẩn Vespa cổ không chỉ đến từ những chiếc xe, mà lại đến từ những người chơi xe ấy.
Hầu hết họ đều không giàu có, nhưng lại rất tay chơi bởi sự chân thành, cởi mở, khoáng đạt và rộng rãi. Tóm lại là dễ chịu và đáng yêu như tiếng nổ pành pành khoan thai của những chiếc Vespa cổ ấy.
Khoái nhất những sáng chủ nhật lên Ngõ Huyện, Phủ Doãn tới cửa hiệu sửa xe của bác Phú. Dù xe không hỏng nhưng tôi cũng lên ngồi chơi, uống trà, đôi khi là chén cuốc lủi với lạc rang, xem sửa xe, rồi bàn luận chuyện Vespa có khi hết cả buổi.
Nếu bữa nào xe hỏng hóc gì đó thì cứ để đấy cho ông bác chữa, không hề lo lắng lăn tăn gì, bởi cái ánh mắt nhìn chiếc xe của khách mà trìu mến như nhìn người yêu của bác chủ đã đủ làm mình yên tâm bội phần rùi.
Những chiếc Vespa cổ. (Ảnh: NVCC)
Rồi lên chú Chính trên Yên Phụ, gặp hội chơi Vespa cổ, già có, trẻ có. Thấy xe nào thiếu đồ gì mà ai đó có dự trữ là lại mời nhau lấy dùng, mà đa số là bán lại với giá như tặng. Thậm chí thấy xe ai bị dính món đồ gì không "din", là sẵn sàng hẹn mua giúp đồ din trong Đà Nẵng, Sài Gòn mang ra để thay.
Mà không chỉ mua hộ hay tặng đồ, đôi khi chỉ vì sướng khi thấy có người thích con xe như của mình, nhất là các bạn trẻ như mình ngày xưa mê xe của các ông anh, là cho mượn đi vô thời hạn, thậm chí là cho tặng luôn.
Bản thân tôi từng được một chú em chỉ vào lô xe của chú ấy trên Tứ Liên bảo anh thích con nào, đời nào, màu gì thì cứ chọn lấy 1 con mà đi, chán thì lại về chọn xe khác mà đi tiếp vô thời hạn. Còn tôi thì cũng đã từng tặng 2 xe cho hai người em ở Hàng Giấy và ở Hàng Bột - đều trai phố cổ, đều mê xe cổ.
Hiệu sửa xe Vespa cổ nào cũng rất hẹp, rất nhỏ. (Ảnh: Vũ Hùng).
Mà rất lạ là hiệu sửa xe Vespa cổ nào cũng rất hẹp, rất nhỏ. Mình để ý không chỉ ở Hà Nội, mà dưới Hải Phòng, trong Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, trên Đà Lạt các cửa hiệu sửa xe Vespa cũng chỉ bé như thế. Không biết có phải để bù lại cho cái chật hẹp của cửa hiệu, các ông thợ ông chủ hiệu sửa chữa Vespa đều có một tấm lòng nghĩa hiệp thật rộng mở chăng?
Lại nhớ một kỷ niệm vui liên quan đến Vespa khi làm ở Nguyễn Thái Học. Cơ quan tôi lúc ấy có mấy tay chuyên gia nước ngoài, trong đó có một người đàn ông người Anh cũng đi làm bằng Vespa. Xe ông ta cùng màu bạc, cùng Spring, cùng đời 1954 với mình, độ cũ như nhau. Khi đến nhà xe thì tôi và ông ta đều luôn dựng xe cạnh nhau theo yêu cầu của bảo vệ vì 2 xe rất "tốn chỗ" nên phải để riêng một góc không sẽ cản trở các loại xe khác.
Thế rồi một chiều mùa đông cơ quan có cuộc liên hoan của bộ phận người Việt. Uống rượu cũng kha khá rồi, tôi ra nhà xe để lấy xe về khi trời đã nhá nhem tối, sương mù bảng lảng. Tôi đút chìa khoá mãi không vào ổ của xe Vespa. Cuối cùng đành vội chạy ra phố, gọi một bác xích lô rồi nhờ bảo vệ của cơ quan khuân xe lên xích lô để chở xe lên Cửa Nam nhờ ông thợ khoá quen trên ấy đánh cho cái chìa mới.
Nhoáng cái là bác thợ khoá đánh xong 3 cái chìa, 1 cái cắm vào ổ vừa in, 2 cái sơ-cua cho vào cốp. Xong, tôi nổ máy pành pành, thong dong về nhà kịp bữa tối.
Tôi chuẩn bị ngồi vào mâm cơm thì chiếc điện thoại cục gạch Motorola kêu lên những tiếng reng reng. Đầu kia là số máy cơ quan và giọng bảo vệ hốt hoảng: "Chú ơi chú lấy nhầm xe của ông Tây rồi. Giờ ông ấy phải đi taxi về, hẹn chú mai đi làm thì đổi lại xe".
Sáng hôm sau, tôi đến cơ quan, lòng đầy thẹn thùng ngượng ngập với ông bạn chuyên gia vì mình lấy nhầm xe, rồi còn đánh hẳn 3 cái chìa, mà lí do vì say rượu chiều hôm trước thì cả cơ quan ai cũng biết nhưng vẫn rất sợ "Tây nó cười".
Chưa kịp giải thích, chàng Tây đã ôm vai mình cười hỏn hẻn rồi nói một câu khiến mình bất ngờ hơn cả việc lấy nhầm xe của mình: "Tao rất xin lỗi vì đã đi cái xe giống hệt của mày, làm mày vất vả phải gọi xích lô chở đi chữa khoá tối qua…".
Nghe xong tôi thấy "ngượng" hơn vì lần đầu tiên thấy kiểu mình có lỗi mà lại được "nạn nhân" của mình xin lỗi. Đã thế, tay chuyên gia này còn cứ bắt cầm tiền làm 3 cái chìa nữa...
Đấy, lịch sự đến thế không phải chỉ vì là người sống trên đất Tràng An đâu, không chỉ vì là Tây đâu, mà là vì chàng ta cũng là dân chơi Vespa cổ đấy. Chỉ có dân Vespa cổ mới có cái ứng xử đẹp như tranh vẽ như thế với nhau. Lịch sự trong bình dị, đơn giản như dễ dãi mà kiêu hãnh ngấm ngầm.
Giữa bao bon chen trên đường đời và đường phố, bạn sẽ có cảm giác thanh thản và lãng đãng ngay lập tức khi ngắm nhìn một gã đi Vespa cổ cạnh mình.
Gã chả bao giờ vội, vì xe cổ không vội được, vội là sặc xăng chết máy. Gã không vội còn vì dân xe cổ đằng nào cũng có số không giàu rồi, có vội đi đâu về đâu tới đâu cũng chả có mánh nào kiếm ra tiền.
Nhưng cái thong thả đến sốt ruột ấy của bọn gã, cùng tiếng nổ pành pành túc tắc như tiếng kèn Trompet chơi khúc Serenat nghe qua đĩa than ấy, chúng góp phần làm nên cái hào hoa lãng tử còn sót lại thật là ít ỏi ở chốn Hà thành đang ngày càng trở nên "phố huyện" này.
Chính quyền quận Hoàn Kiếm đang niêm yết công khai để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đối với quy hoạch tổng mặt bằng cải tạo không gian khu vực Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục.
Chiều nay, đại diện cư dân chung cư CT8A gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo UBND xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) về sự cố thang máy gây bức xúc dư luận. Lãnh đạo xã cho biết, ngay tối nay (20/3) sẽ trực tiếp chủ trì cuộc họp với Ban Quản trị chung cư nhằm làm rõ nhiều vấn đề, như bảo trì thang máy.
Theo thông tin mới nhất của chính quyền quận Hoàn Kiếm có 12 trụ sở tổ chức, cơ quan, đơn vị và 42 hộ dân nằm trong quy hoạch Quảng trường Đông Kinh-Nghĩa Thục và phía Đông hồ Gươm.
Chính quyền quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang nghiên cứu dựng tháp ánh sáng để tạo điểm nhấn cho Quảng trường Đông kinh - Nghĩa Thục sau khi phá bỏ tòa nhà hàm cá mập để mở rộng không gian.
Chính quyền quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa xin phép chặt hạ và dịch chuyển một số cây xanh tại vườn hoa sát hồ Gươm nhằm cải tạo, nâng cấp vườn hoa Lý Thái Tổ, trong đó có cây sưa đỏ có giá trị kinh tế cao.
Nằm giữa lòng Khu đô thị Tây Nam Hà Nội (thuộc địa bàn quận Cầu Giấy) sầm uất, nơi lẽ ra vào thời điểm này, một công viên hồ điều hòa hiện đại đã phải mọc lên, trở thành "lá phổi xanh" tươi mát của Thủ đô. Thế nhưng, sau 15 năm, dự án vẫn chỉ là một bãi đất hoang tàn, cỏ dại mọc um tùm.
Đại diện chính quyền quận Hoàn Kiếm (TP.Hà Nội) cho biết, kinh phí phá dỡ tòa nhà "Hàm cá mập" và hoàn trả hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang mặt đứng công trình liền kề sẽ giảm còn khoảng 10-11 tỷ đồng.
Quận Hoàn Kiếm (TP.Hà Nội) đang chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư cải tạo Vườn hoa Lý Thái Tổ, trong đó đặt Km0. Dự kiến, tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là hơn 182 tỷ đồng.
Trước ngày 2/9, TP Hà Nội dự kiến sẽ di dời 12 trụ sở cơ quan tổ chức và 35 hộ dân để xây quảng trường - công viên đặc biệt tại vị trí khu đất phía Đông hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có diện tích khoảng 2,1ha.