Chúng tôi tạo dựng hồ sơ là người của nhà hàng T.Đ ngoài Hà Nội, họ cho người bất ngờ gọi đến số điện thoại in trên cardvisit để đặt món, đặt bàn. Hỏi rõ có phải nhà hàng T.Đ không. Khi "xác minh rõ" (thật ra là họ bị chúng tôi "tuơng kế tự kế") lý lịch của khách hàng, lập tức họ cho người gọi cho chúng tôi thông báo về những ổ trứng rùa vừa ăn trộm trong đêm. Hàng trăm quả trứng, giá bán vài chục triệu đồng, ship tận Hà Nội.
Chúng tôi "tra" ngược lại thông tin giao dịch từ mạng xã hội và số điện thoại của người đặt món ở "nhà hàng T.Đ", tên và địa chỉ do chúng tôi bịa ra - thì hóa ra "bạn ấy" và đối tác bán trứng rùa biển có cùng… họ.
Thịt rùa biển được một số người săn bắt ngoài biển, sau đó xẻ thịt, chia nhỏ rồi vận chuyển vào đất liền bán. Ảnh: Lam Anh
Nói là họ công khai bán thì không đúng, nhưng quả là chỉ làm thực khách vui tính vài phút, bạn có thể vào hang ổ bán trứng rùa biển quá dễ. Có anh cán bộ ở một lĩnh vực cũng liên quan đến bảo vệ biển và các loài thủy hải sản, hồn nhiên kể: tôi ăn một lúc mấy chục quả trứng rùa biển. Trước người ta chưa làm gắt, có lần "về quê, tôi mang theo 300 quả trứng rùa biển về làm quà cho người thân".
Một người ngồi cạnh giả đò muốn ăn thử, anh này mở điện thoại gọi người hỏi mua trứng rùa luôn. Bật loa ngoài cho mọi người nghe. Một anh làm nghề đưa khách du lịch đi thăm đảo, nói thẳng: họ tích trữ hàng trăm quả trứng rùa ở nhà, tích trữ quanh năm, có khách là bán. Ăn trộm một ổ trứng rùa gần 200 quả là có vài chục triệu đồng rồi. Nên nhiều vụ bị bắt, bị xử lý hình sự vì buôn bán trứng rùa, họ vẫn ham.
Anh lấy ví dụ anh Th (anh này báo chí viết nhiều rồi), vốn là kiểm lâm, đối tượng tên Tân bị bắt, ra tòa xử, hắn khai ra Th chỉ điểm, Tân đi lấy trứng, rồi chuyển khoản tiền "chia chác" vào tài khoản của người nhà Th. Sau này ra tòa, họ cho kiểm tra sao kê tài khoản kia và làm nhiều thủ tục tố tụng nữa. Rồi bảo chưa đủ căn cứ xử lý Th nghiêm khắc hơn. Anh này thở dài: "Th giàu lắm, mua nhà cửa hoành tráng!".
Trứng rùa được các cán bộ bảo tồn đưa về hồ ấp tại VQG Côn Đảo nhằm tránh bị các đối tượng ăn trộm. Ảnh: Văn Hoàng
Tương tự, cơ quan chức năng ở Côn Đảo cũng từng bị báo chí và các nhà bảo tồn cực lực công kích, khi họ bảo: Trứng rùa biển không phải là một phần của con rùa biển. Nó khác cái tay, chân, đầu, cổ, mai gắn liền với sự sống của rùa. Trứng đẻ ra rồi thì thôi, không liên quan đến cơ thể rùa nữa (rùa đực thì không có trứng). Và họ bảo, không xử được kẻ ăn trộm, bán buôn trứng rùa biển, với tội danh liên quan đến sát hại, xâm hại rùa biển quý hiếm…
Các giao dịch của chúng tôi với một đối tượng tình nghi, được các đơn vị điều tra ở Hà Nội nhiều năm để mắt, từng tiếp xúc và ghi hình vi phạm, từng bị bắt và xử lý nhiều vì các vi phạm bắt, giết, trộm trứng rùa biển - thật sự sẽ khiến bất cứ ai cũng phải sốc. Anh ta thừa nhận tất, như một cách khoe chiến tích, chứ chẳng chối cãi nốt. Không biết, với anh ta, luật pháp ở đâu?
Người đàn ông này tên là T. Nhiều tài liệu đã "nhắc" về anh ta. Cán bộ giới thiệu tôi với T cũng thừa nhận: anh ta và người nhà nhiều năm làm cái nghề "rùa" và "trứng rùa", "bị bắt hoài". Có lúc bán đất giàu có, mua ô tô, vào đất liền làm ăn, vàng đeo đầy người. Thời gian sau thất bát lại ra đảo làm nghề đánh cá và… liên quan đến rùa.
Ông T, người có nhiều năm săn bắt, giết rùa biển để bán thịt, ông kể đã giết hàng trăm con rùa. Ảnh cắt từ video: Văn Hoàng
T thừa nhận (tài liệu này chúng tôi đã gửi cho cơ quan hữu trách ở Côn Đảo): "Thịt vích (rùa biển) thì bây giờ (cơ quan chức năng) họ cấm, trước nó bắt phạt hành chính thôi thì không sợ lắm. Giờ bị bắt là họ truy tố (khởi tố hình sự), ớn quá. Truy tố vậy chứ, vậy mà đảo này còn bán nhóc (rất nhiều) trứng rùa, bán nhiều lắm. Giá trăm mấy, hai trăm nghìn đồng một quả trứng đấy.
"… Hồi xưa tôi bán trứng rùa biển ở đây có tiếng luôn đó, kiểm lâm bắt và xử tôi như bắt có bỏ đĩa. Bắt xong tôi cũng đi làm (bán trứng rùa) tiếp. Bấy giờ, bắt xong thì lại thả, có gì đâu mà mình sợ (do quy định luật pháp, hành vi trộm trứng rùa như T bấy giờ chỉ xử lý hành chính). Sau này, có vụ, tòa họ xử, ra quyết định phạt tiền, mà tôi đâu có đóng. Họ phạt lần nhiều nhất là hai chục triệu đồng. Mà tôi hỏi mấy thằng bạn làm bên chi cục (…), nó nói cái này anh không đóng nó cũng không làm được gì đâu. Nên tôi không đóng rốt cuộc nó cũng có làm được gì đâu. Nó mời tới mời lui tôi không đi nộp phạt, rồi cũng bỏ qua. Nhưng, giờ đụng tới (việc giết rùa và ăn trộm trứng rùa) là mệt à!".
"Mỗi ổ trứng rùa nó đẻ, trăm mấy chục, gần hai trăm quả trứng một lúc", T kể, rồi tiếp tục gọi cho "thằng bạn", bảo luộc trứng rùa mang đến quán cà phê cho nhóm chúng tôi ăn thử. Nhớ lấy loại mới, đừng lấy loại cũ (cất giữ đã lâu), khách người ta chê. Chúng tôi lấy cớ đang mệt, chưa ăn vội.
Trứng rùa được nhiều du khách đến du lịch Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tìm kiếm mua góp phần làm suy giảm quần thể rùa biển. Ảnh: Lam Anh
T nói tiếp: "Nếu vận chuyển trứng này về Hà Nội bán, thì nên đi đường tàu thuỷ, tiền gửi ra rẻ hơn, chứ máy bay, tiền cho (ý nói hối lộ…) mất nhiều lắm (để được mang trứng rùa đi). Trứng này bỏ thùng xốp, lấy giấy báo đậy lên, cho vào trong ngăn mát, để được rất lâu. Giống như cái thằng tôi mới điện bảo mang trứng rùa đến ấy, nó cũng bị người ta bắt hoài mà nó không sợ. Đi tù năm mấy luôn (hơn 1 năm) mà nó không sợ. Nó bảo, đằng nào cũng ở tù: bán trứng rùa cũng đi ở tù; thì đi bán xì ke ma túy luôn cho xong, cái nào cũng ở tù cả".
"Lúc tôi đi lấy trứng rùa. Mỗi ổ có khi lên tới hơn 200 quả trứng, bình thường toàn hơn 100 quả là phổ biến. Tôi sang bên Hòn (đảo), cũng móc nối với (…) để họ chỉ cho; họ bảo rùa nó đẻ ở đâu thì mình chạy ngay tới chỗ đó đem trứng về.
"Cách đây bảy tám năm, gần chục năm trước, có khi một đêm tôi làm (bắt, giết thịt đem bán) bốn năm con, bảy tám con rùa biển luôn đó. Có lúc nhiều hàng quá, tôi bắt rùa biển rồi "gồng" trói nó dưới biển luôn. Lúc nào trên bờ hết hàng mới chạy đò ra, bắt nó lên mà giết dần. Bây giờ tôi đi bắt cá, đêm nào lặn dưới biển cũng thấy nhóc (nhiều) rùa luôn, mà tôi không bắt nữa. Thấy tội "chúng nó".
Rùa biển khi làm ổ đẻ trứng là lúc dễ bị những đối tượng trộm trứng giết hại, rạch bụng để lấy trứng non sắp đẻ. Ảnh: Văn Hoàng
Tôi hỏi: "Ngày bắt bảy tám con rùa làm thịt, thế đời anh từ bấy đến giờ có khi bắt cả mấy trăm con rùa biển to đùng?" T giãy nảy khẳng định: "Ồ, cả mấy ngàn con ấy chứ, đâu mà mấy trăm, tôi mổ rùa ra lấy trứng luôn. Tôi lấy mật nó đem bán cho người ta, cái mật rùa họ bảo là để chữa bệnh, bán cũng được hơn 1 triệu đồng một cái nhé" (T đang nói về niềm tin mù quáng và lối sống ích kỷ của những người sử dụng mật rùa biển, khoa học đã chứng minh, không những không có tác dụng chữa bệnh, mà việc sử dụng mật rùa còn vô cùng tai hại cho sức khỏe - người viết).
Sau khi khen thịt rùa với các bộ phận trên cơ thể rất cụ thể của chúng "ngon" ra sao, làm món gì, T vẫn không quên nhấn mạnh: "Nếu anh mua trứng rùa, tôi làm trung gian chuyển ra Hà Nội cho. Chỉ 24 tiếng là hàng ra tới chỗ anh, đừng gửi bằng đường máy bay mà nguy hiểm".
T bảo, nhiều vị khách ăn vài quả trứng rùa thấy thích, họ mua hơn 100 quả một lúc. Khi T bị bắt, anh ta quyết không khai ra người chỉ điểm, tiếp tay cho mình ăn trộm trứng rùa. Nên có "uy tín" với anh em trong làm ăn lắm. "Bởi thế nó khoái mình. Chớ mình khai ra nó, mai ai dám làm ăn với mình nữa". "Khi bị truy bắt, kiểm lâm mình còn dám đánh lại, chứ công an thì không dám chống lại, kể cả họ làm gì mình, cũng kệ họ".
Thủ đoạn mà T tiết lộ, trùng khít với những gì mà cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xét xử, các chuyên gia phân tích, nhận định. Nó cũng y hệt những nỗi đau mà rùa biển ở Côn Đảo, Phú Quốc đang phải gánh chịu, với những vụ việc, những cá thể rùa "chết bất toàn thây" ngay gần đây, ngay trong năm 2023.
Việc trưng bày các tiêu bản rùa biển ở nhiều khu vực bảo tàng, VQG của Côn Đảo mang nhiều ý nghĩa. Nhưng, việc đầu tiên có thể nhận ra đó là các cá thể rùa đều bị giết một cách thê thảm. Ảnh Lam Anh.
Tại VQG Côn Đảo, một chuyên gia làm tiêu bản rùa biển để trưng bày ở bảo tàng, ở khu trung tâm của Vườn, kể: các đối tượng bây giờ chủ yếu lấy trứng rùa bán cho các nhà hàng, cho du khách, với giá hai ba trăm nghìn đồng một quả. Vì thịt rùa khó bán, ít người tìm mua, nên "trộm trứng" đi ra biển, rình lúc các cá thể rùa "bắt cặp" (giao phối) là bắt giết. Rùa vốn hiền, lúc "yêu" càng chậm chạp và lơ mơ hơn.
Chúng bắt rùa dưới biển, tách con đực con cái ra, cột dây thừng và phao bơi vào "tay bơi" (mái chèo) của rùa cái. Nó kéo rùa theo đến chỗ vắng, mổ bụng lấy trứng rồi vứt bỏ xác dưới biển. Chúng chỉ giết rùa cái, mổ bụng khoanh bụng dưới yếm của rùa cái, lấy trứng. Rùa đực chúng bỏ, vì rùa đực không có trứng. Rùa cứ đẻ xong một hai trăm quả trứng, là nghỉ gần hai chục ngày, rồi lại chuẩn bị để đẻ tiếp. Rùa hiền lành, chậm chạp, nên mới có cảnh họ nhấc rùa đang đẻ ra ăn trộm trứng, có khi rạch bụng dưới của rùa ra lấy trứng non. Rất dã man.
Tiếp xúc với chúng tôi, T kể, có vẻ đầy tự hào ta đây "dân anh chị". Sau này cán bộ cơ sở xác nhận câu chuyện khó tin nhưng có thật ấy. Rằng: con rùa nặng hơn 1 tạ, hiện đang giữ kỷ lục là tiêu bản rùa to lớn và đáng ngạc nhiên nhất với du khách khi đến thăm bảo tàng ở Côn Đảo (xem ảnh), chính là nạn nhân của lưỡi dao oan nghiệt do T vung lên.
Anh ta bắt rùa cụ khổng lồ, mổ lấy hơn hai trăm quả trứng. Rồi bị cơ quan chức năng xử lý. Cán bộ đưa cá thể rùa ấy làm tiêu bản trưng bày, vì nó giống một kỳ quan thiên nhiên hơn là tang vật của một vụ giết hại, phanh xác động vật quý hiếm.
Tiêu bản rùa biển được trưng bày tại Bảo tàng và Trụ sở Vườn quốc gia Côn Đảo cho du khách thăm quan, tìm hiểu (ảnh góc phải phía dưới: PV Dân Việt bên tiêu bản "cụ" rùa biển khổng lồ mà T đã mổ bụng, moi trộm trứng!). Ảnh: PV
Quá trình thi công dự án 500 tỷ đồng làm vỡ đường ống, khiến 2.810 hộ dân ở (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An) không có nước để sinh hoạt. Suốt 5 ngày trôi qua, cuộc sống của hàng ngàn hộ dân nơi dự án đi qua bị đảo lộn.
Thông tin ông Nguyễn Xuân Ký - cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, được tiếp nhận làm giảng viên tại Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội, gây tranh cãi trong dư luận xã hội. Liệu một cựu quan chức từng bị kỷ luật có phù hợp với vai trò nhà giáo?
Báo Dân Việt vừa có bài viết “Đà Nẵng: Xe tải hạng nặng “cày nát” tuyến đường 200 tỷ đồng, đe dọa an toàn người dân”, phản ánh tình trạng xe tải trọng lớn bất chấp biển cấm, vẫn ngang nhiên đi vào tuyến đường ĐH2 tại huyện Hòa Vang. Sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng đã nhanh chóng ra quân và xử phạt nhiều trường hợp vi phạm.
Báo Dân Việt nhận được phản ánh từ người dân và du khách về tình trạng hệ thống đèn đường tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) không hoạt động suốt cả năm qua. Việc đèn không chiếu sáng vào ban đêm đã ảnh hưởng đến việc đi lại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và gây lo ngại về an ninh trật tự, đặc biệt đối với du khách.
Báo Dân Việt đã nhận được nhiều ý kiến từ bạn đọc liên quan đến việc triển khai Đề án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Vậy trong thời gian tới, liệu có thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố khi triển khai Nghị quyết số 60-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng hay không?
Tòa nhà Viet Tower số 1 Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) cao 18 tầng (2 tầng hầm) bị bốc cháy vào khoảng 14h00 chiều 18/4. PV Dân Việt đã có mặt tại hiện trường, thông tin vụ việc.
Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô học trò người Dao – Thanh Vân – vẫn miệt mài vươn lên trong học tập, đạt nhiều thành tích đáng tự hào. Thế nhưng, giấc mơ tiếp tục đến trường của em đang đứng trước nguy cơ dang dở vì những nỗi lo cơm áo gạo tiền đang đè nặng lên vai cha mẹ nơi vùng cao hẻo lánh.
Biển báo giao thông dày đặc, chồng chéo như “ma trận”, nhiều biển phụ chữ nhỏ, khó đọc xuất hiện trên nhiều tuyến phố. Tại Thủ đô Hà Nội, không ít biển báo che khuất tầm nhìn, lắp đặt sai vị trí, gây rối loạn và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trước thực trạng này, Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh hệ thống biển báo, đảm bảo đúng quy chuẩn, thuận tiện và an toàn cho người dân.
21,528 triệu đồng/tháng, đó là mức lương của cấp bậc Trung tướng Công an nhân dân mới nhất áp dụng trong năm 2025. Vậy, mức lương cơ sở để tính lương cấp bậc này là bao nhiêu? Cách tính lương Trung tướng Công an nhân dân được quy định ra sao? Đây là những câu hỏi đang được nhiều bạn đọc quan tâm. Sau đây là thông tin chi tiết dựa trên quy định hiện hành.
Bộ Công an mới đây đã yêu cầu UBND tỉnh Quảng Bình cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan đến toàn bộ các dự án nhà máy điện mặt trời trên địa bàn nhằm phục vụ công tác kiểm tra, xác minh. Trong số này có dự án gần 14 triệu USD được đầu tư để cung cấp điện năng lượng mặt trời cho các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh này. Tuy nhiên, dự án chỉ được đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn, sau đó hư hỏng, không được sửa chữa và đến nay gần như bị "vứt xó".