Chủ nhật, ngày 06/04/2025 20:00 GMT+7

"Xưởng rèn thủ công" ngàn năm tuổi lớn nhất miền Bắc, đâu đâu cũng thấy thép và dao

Anh Dũng Chủ nhật, ngày 06/04/2025 20:00 GMT+7
Làng rèn Phúc Sen Cao Bằng được mệnh danh là “xưởng rèn thủ công” lớn nhất khu vực miền Bắc, cung cấp ra thị trường những nông cụ và đồ dùng sinh hoạt chất lượng.
Đến với huyện vùng cao Quảng Hoà, Trùng Khánh, Hạ Lang (Cao Bằng), khi qua đèo Mã Phục quanh co 7 tầng dốc sẽ bắt gặp những cửa hàng kim khí san sát ven đường. Đây chính là xã Phúc Sen, huyện Quảng Hoà nơi có nghề rèn thủ công nổi tiếng “ngàn năm tuổi” của người Nùng.
Tương truyền, nghề rèn nơi đây đã có từ thế kỉ thứ XI, ban đầu là nơi sản xuất vũ khí cho đội quân của Nùng Tôn Phúc và Nùng Trí Cao chống lại quân Tống xâm lược. Sau chiến tranh, người dân dần chuyển sang rèn công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.
Hiện có khoảng 400 hộ dân xã Phúc Sen làm nghề rèn, khiến Phúc Sen được mệnh danh là "xưởng rèn thủ công" lớn nhất miền Bắc.
Để có được một sản phẩm hoàn chỉnh gồm rất nhiều công đoạn, nhưng có bốn công đoạn chính: Cắt thép và dùng búa đập thành hình định trước, tôi thép, ram thép và mài thành phẩm.
Tôi thép và ram thép là hai công đoạn chính tạo nên thương hiệu dao Phúc Sen nổi tiếng. Điều đặc biệt là nước để tôi thép ở đây, bao gồm rất nhiều thành phần, là bí quyết thành công tạo nên sản phẩm của làng nghề nơi đây.
Tôi thép là quá trình nung nóng, giữ nhiệt và làm nguội nhanh thép nhằm mục đích nâng cao độ cứng, tính mài mòn, độ bền cho dao.
Ram thép là phương pháp nung nóng thép đã qua tôi dưới nhiệt độ giới hạn. Chỉ những người thợ giỏi và lành nghề, mới có thể nhận biết được nhiệt độ giới hạn bằng cách nhìn vào màu đỏ của thép trong lò, sau đó giữ nhiệt độ một thời gian rồi làm nguội.
Để khẳng định thương hiệu nghề rèn, sau khi các sản phẩm nông cụ được hoàn tất các công đoạn, chủ cơ sở rèn đều cho đóng dấu nổi tên cơ sở gia đình mình. Điểm đặc biệt nữa, là mỗi lò rèn trong nhà, đàn ông làm thợ chính để trui, dập, tạo dáng còn thợ phụ là già trẻ lớn bé làm công việc đẩy ống thổi, mài dao, đánh bóng...
Người Nùng ở Phúc Sen quan niệm, theo nghề rèn vừa là để kiếm sống, phát triển kinh tế, cũng vừa là để giữ nét văn hóa riêng của địa phương vốn đã được truyền lại từ ngàn đời nay.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.