Thưa Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt ông có giới thiệu qua về bản thân và cơ duyên mà ông trở thành người lính lái xe tăng?
- Tôi sinh năm 1954, quê gốc ở Gia Lộc, lớn
lên ở Chí Linh (Hải Dương). Năm
1971, tôi tốt nghiệp cấp 3 (giờ là THPT). Hồi đó tôi học tốt các môn tự nhiên
nên định thi vào Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Kết thúc kỳ thi, sau này
tôi biết mình được 23,5 điểm. Tuy nhiên, khi lên Ban tuyển sinh của huyện hỏi
thì được câu trả lời: “Gia đình chưa có người đóng góp, anh phải đi bộ đội đã, về học
sau!”. Tôi sẵn sàng, cũng như bao người con đất Việt khi Tổ quốc bị xâm lăng. Từ năm tôi học lớp 5 máy bay đánh phá
ra miền
Bắc, chúng tôi đã phải học dưới nhà hầm, các bài học thường xuyên đứt đoạn bởi
báo động máy bay Mỹ nên tôi coi việc lên đường đánh đuổi chúng đi là một lẽ
đương nhiên.
Tháng 12/1971 tôi nhập ngũ vào binh chủng
Thiết giáp và được chọn đi học lái xe tăng. Đối với tôi đây cũng là may mắn, bởi
vì ngay từ khi biết rằng sẽ không vào Đại học, tôi chỉ có một ước mơ là được trở
thành người chiến sĩ lái xe tăng. Tháng 3/1972, mặc dù chưa hoàn thành khóa đào
tạo, chúng tôi đã lên đường ra chiến trường.
Hành trình của những người lính tăng 380 đi giải phóng miền Nam đã bắt đầu như thế nào?Trong cuộc hành quân thần tốc trên
“chiến mã 380”
đã phải trải qua những khó khăn, hiểm nguy thế nào, có những kỷ niệm gì mà ông ấn
tượng nhất?
- Từ tháng 6/1973 tôi bắt đầu gắn bó với chiến xa 380. Sau gần hai năm đóng quân ở Thừa Thiên Huế, ngày 20/3/1975, chúng
tôi nhận lệnh đi chiến đấu. Ngày 23/3/1975, Đại đội XT 4 của tôi đã cùng bộ binh
tiến công cứ điểm Núi Bông, một cứ điểm có vị trí quan trọng, án ngữ phía Tây -
Nam Huế. Sáng 25/3/1975, chúng tôi chiếm chi khu quân sự La Sơn và tiến đánh
thành phố Huế từ phía Nam. Song địch đã phá cầu An Nông nên quá trưa hôm đó
chúng tôi mới chiếm được thành Mang Cá, Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 1 quân
đội Sài Gòn. Sau đó, chúng tôi truy kích địch ra cửa Thuận An, thu giữ hàng
trăm phương tiện, bắt giữ hàng nghìn tù binh, hàng binh.
Nửa đêm về sáng 29/3/1975,
chúng tôi nhận lệnh cơ động đánh Đà Nẵng theo Quốc lộ 1. Lái xe vượt đèo Hải
Vân nhưng thấy phong cảnh đẹp quá, chúng tôi cứ thò đầu ra, ngắm
nhìn vịnh Đà Nẵng xanh thăm thẳm, mây trắng là là bay ở lưng
chừng, tôi tự nhủ “rồi mình sẽ quay lại đây”.
Khi chúng tôi ai nấy
đang ngập tràn khí thế thì cây cầu Thừa Lưu bị địch phá đã cản bước chúng tôi.
Đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã rất quyết đoán khi cho xe tăng vượt qua cầu đường
sắt. Nhờ vậy, chiều hôm đó chúng tôi đã tiến vào chiếm thương cảng Bạch Đằng rồi
trụ lại nội đô, góp phần bảo đảm an ninh cho thành phố mới giải phóng.
Thấy xe tăng diễu hành trong thành phố, bà con ở TP Đà Nẵng khắp nơi kéo về, xúm đông
xúm đỏ để xem quân giải phóng như thế nào. Hàng trăm năm sống dưới chế độ bên kia, chỉ có một
thời gian ngắn năm 1945 có Việt minh về, vì thế người dân Đà Nẵng rất xa lạ với
với cách mạng. Lúc ấy chủ yếu các gia đình cửa đóng then cài, chúng tôi không
vào nhà ai được nên đành nấu cơm ở vỉa hè. Đói thì phải ăn thôi chứ ngượng lắm,
người ta vây quanh xúm xít xem và bình luận “ơ, giải phóng cũng ăn cơm như mình”,
họ sờ, nắn xong lại bảo “thế này mà chúng nó bảo 7 người đu không gãy cọng đu đủ”.
Trước tôi cũng nghe chuyện đó nhưng nghĩ rằng đó chỉ là giai thoại, thế mà hoá
ra là thật. Thậm chí, họ còn săm soi xem chúng tôi có đuôi không (cười).
Xe tăng quân cách mạng tiến vào Giải phóng Đà Nẵng ngày 29/3/1975. Ảnh: Hoàng Thiểm/TTXVN
Ngày 14/4/1975, theo
mệnh lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, chúng tôi bắt đầu cuộc
hành quân “Thần tốc” về phía Nam. Mặc dù
cơ động theo đường quốc lộ 1 song do hàng chục cây cầu bị địch phá trước khi
rút chạy.
Lại một lần nữa chúng
tôi phải phải dừng chân trước cây cầu Câu Lâu bắc qua sông Thu Bồn, khi ấy đã bị
địch phá mất 3 nhịp. Tuy đã được nối bằng “cầu Mỹ” - loại cầu dã chiến gồm những khung thép hình chữ nhật được ghép
nối với nhau bởi những chốt thép - song không đủ trọng tải cho xe tăng đi qua.
Một phương án vòng tránh được đưa ra là đi qua một cây cầu ở phía thượng lưu
cách đó chừng 10km cũng phá sản vì khi chiếc xe tăng đầu tiên bò ra đến giữa cầu
thì cầu sập. Cuối cùng chúng tôi đành kiên nhẫn đợi qua phà dã chiến với tốc độ
2 tiếng rưỡi đồng hồ một xe.
Đến cầu tiếp theo ở Mộ
Đức (Quảng Ngãi), lại có một cây cầu bị phá. Trong lúc chờ công binh khắc phục,
chúng tôi được ăn một bữa cơm của các “má chiến sĩ”. Chúng tôi hành quân hàng
chục ngày không có rau, đến đây các má cho ăn một bữa canh chua, cá và rau sống.
Rau sống thập cẩm có rau muống chẻ, xà lách, mít xanh thái lát, rau chuối bào…
Các má bảo: “Các má nghe nói các con có một tiểu đoàn đi qua, tưởng rằng đông lắm,
quỹ của các má thì chỉ có hạn. Chứ biết chúng mày có bằng này người thì các má phải thịt con heo
chứ để chúng mày ăn thế này à. Các má áy náy vì cỗ đơn giản quá. Thương lắm!"
Được biết trên chiếc xe tăng 380 của
ông và các đồng đội khi hành quân đi giải phóng miền Nam có hình ảnh rất đặc biệt cây đàn ghi ta để sau tháp pháo. Hình ảnh này đã lọt vào ống kính của phóng viên TTXVN, có lẽ điều này chỉ có ở những người
lính Bộ đội cụ Hồ, ông nghĩ sao?
- Cũng thật tình cờ chứ chúng tôi không hề
biết chiến xa của mình được chụp ảnh như thế. Cách đây vài năm nhìn vào ảnh thấy số hiệu B380 mới biết đó là xe tăng của chúng tôi. Và cây đàn trên xe tăng đó là của pháo thủ số 2 Nguyễn Kim Duyệt. Tôi nghĩ rằng, đó
cũng không phải là độc quyền của mình, của đơn vị mình mà là nét đẹp chung của
thế hệ chúng tôi, thế hệ những người lính Cụ Hồ thời đấy, trong đó có rất nhiều người tài hoa ra trận.
Cây đàn ghi ta của pháo thủ hai Nguyễn Kim Duyệt trên xe tăng 380 trên đường tiến vào Giải phóng Sài Gòn. Ảnh: TTXVN
Pháo
thủ số 2 Nguyễn Kim Duyệt có phải là người
bạn đi chiến đấu nhưng vẫn mang theo bộ sách cất trong buồng lái xe tăng, ông
có thể chia sẻ về người đồng
đội này?
- Anh Nguyễn Kim Duyệt là một
chàng trai gốc Hà Nội. Lần đầu tiên gặp Duyệt, thú thực tôi không “khoái” anh
chàng này lắm vì dáng người mảnh khảnh, đeo balo và vác theo cây đàn ghi ta.
Trong khi đó, lính xe tăng nhìn chung là phải vâm váp, nhất là anh pháo hai,
nhiệm vụ của anh ấy không phức tạp, nặng nhọc vì phải quả đạn 32kg trên
vai. Thực tế ở Đại đội 4, hồi ở A Lưới đã có một anh pháo hai ngất xỉu khi nạp
đến quả đạn thứ 16, ngoài sức nặng thì còn do khói thuốc phóng khá độc hại.
Thế nhưng, ngay chiều
hôm đó chúng tôi phải ngạc nhiên vì Duyệt. Chàng trai Hà Nội này
nhưng rất chịu khó, bảo dưỡng vũ khí “ngon lành”, tháo lắp
vũ khí nhanh gọn, làm đến đâu sạch đến đấy, lau chùi bóng loáng không dính một
chút dầu nào. Ngoài những công việc đó Duyệt còn lo hậu cần, cơm nước cho cả đội.
Dù sư đoàn đóng ở chỗ toàn sỏi đá nhưng
chẳng hiểu thế nào Duyệt cũng
đi loanh quanh kiếm được mớ rau tập tàng về nấu canh. Ăn cơm xong lại được Duyệt
chơi đàn cho nghe, chúng tôi dần có cảm tình, quý mến người đồng đội này.
Tôi với Duyệt thì có
phần thân nhau hơn vì hoàn cảnh gia đình và chuyện học hành gần giống nhau. Đêm
đến chúng tôi mắc võng nằm cạnh nhau thủ thỉ tâm sự đủ mọi chuyện.
Trưa 27/4/1975, xe 380 của tôi được lệnh
tăng cường cho Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 tiến công căn cứ Nước Trong. Sẩm tối hôm
đó, chúng tôi cơ động lên Trường Thiết Giáp để chuẩn bị cho trận đánh ngày mai.
Bốn chiếc xe tăng lầm lũi bò dưới ánh trăng tương đối sáng. Vì không biết đường
nên tôi đi sau cùng. Đường sá vẫn là đường lô cao su, thỉnh thoảng có chỗ hỏng
nên cứ lúc lúc lại dừng. Gần đến Trường Thiết giáp Long Thành thì không còn cao
su nữa mà chủ yếu là các trảng cỏ- chắc là vùng trắng xung quanh các căn cứ địch.
Lúc ấy, khi tôi đang đi số 3 thì có lệnh dừng xe. Tôi đạp ly hợp và định đưa cần
số về số 0 thì hoảng hồn: cái mỏ vịt cần số nhẹ bẫng, cần số thì kẹt cứng ở vị
trí số 3. Tôi không dám tắt máy, chỉ kéo 2 cần lái về sau để cố định xe và cúi
xuống mò mẫm kiểm tra. Thì ra, dây cáp bộ khóa số của xe tôi đã bị đứt.
Nói thêm một chút để mọi người rõ: Để đảm
bảo xe tăng không bị “nhảy số”, ở cụm chi tiết dẫn động biến số của xe tăng có lắp
thêm một bộ khóa số. Bộ phận này được điều khiển bằng một “mỏ vịt” lắp ngay đầu
cần số. Muốn chuyển số, lái xe phải bóp mỏ vịt, mỏ vịt kéo sợi dây cáp sẽ làm cho
bộ khóa số làm việc và rút cái chốt cố định lên. Khi thả mỏ vịt ra, lò xo sẽ lại
đưa chốt khóa số vào rãnh trên thân cần dẫn động khóa chặt nó lại. Thế mà, cáp
khóa số của xe tôi lại bị đứt nên tôi không thể chuyển số được và đành chịu. Cứ
thế này tôi chỉ được đi với một số duy nhất là số 3 mà thôi.
Ngay sau đó lại có lệnh tiếp tục tiến, tôi
quyết định sẽ khởi xe bằng cần lái. Đây là cách khởi xe bất đắc dĩ nhưng cũng
là duy nhất vào lúc đó vì hộp số đang ở số 3. Sau khi đẩy hai cần lái về vị trí
hành tinh cho xe chuyển động tôi mới đẩy tiếp hai cần lái về phía trước. Thật
may, động cơ không chết vì quá tải! Cứ như thế quá nửa đêm chúng tôi cũng đến
được vị trí quy định. Vừa lái xe tôi vừa suy nghĩ làm thế nào để có
thể điều khiển được cần số chứ cứ lúc nào cũng chỉ đi số 3 thì không thể chiến đấu được. Xe chỉ dùng mỗi số 3, lại không phải là số để khởi động xe hoặc khi gặp vật
chướng ngại thì làm sao, khi cần lùi sẽ thế nào.
Vừa đến vị trí tạm dừng, tôi báo cáo ngay
sự cố kỹ thuật với trưởng xe Nguyễn Đình Luông và toàn xe. Mấy anh em cùng xúm
lại bàn bạc tìm cách khắc phục. Có một điều đáng nói là lúc đó cả xe tôi chỉ
nghĩ đến việc khắc phục hư hỏng để được đi chiến đấu mà thôi chứ công bằng mà
nói có thể nếu báo cáo xe bị hỏng hóc chắc chẳng cấp trên nào bắt chúng tôi phải tham gia chiến
đấu. Và nếu báo cáo để khỏi phải tham gia trận này, mọi chuyện có thể sẽ khác
đi!
Tôi chợt nhớ ra ở khẩu cao xạ 12 ly 7 có một
sợi dây cáp tại bộ phận cò. Hy vọng nó sẽ vừa để thay cho cáp khoá số nên tôi hỏi
pháo hai Duyệt:
- Quê
Duyệt ơi, súng 12 ly 7 không có cáp cò thì có bắn được không?
Duyệt đáp ngay không cần suy nghĩ:
- Được
chứ!
- Vậy
tao tháo cái cáp ấy để làm cáp khóa số nhé!- Tôi gặng.
- Nếu
cần thì quê cứ tháo đi!- Duyệt khẳng định.
Thế
là tôi và pháo hai Nguyễn Kim Duyệt cùng xúm lại tháo sợi cáp cò súng 12 ly 7.
Nhưng rất tiếc khi đem vào so thì sợi cáp này lại to hơn không lắp được vào. Vừa
mệt mỏi, vừa chán nản tôi ngồi thừ ra trên ghế lái mà không biết làm sao bây giờ?
Nghĩ chán không ra, tôi lại bật cái đèn công tác săm soi vị trí đứt của sợi
cáp- đó là chỗ đầu dây lắp vào mỏ vịt. Vì đây là đoạn sợi cáp gập đôi lại và
hàn với nhau nên tạo thành một cái “khấc”. Trong đầu tôi nảy ra ý định dùng dây
thép niêm (là loại dây thép nhỏ chuyên dùng khóa các con ốc nhằm tránh tự tháo)
để nối cáp.
Nghĩ là làm, tôi lấy sợi dây thép niêm chập
đôi lại luồn qua chốt trong “mỏ vịt” cần số, bốn đầu dây thép tôi xoắn vào cái
khấc ở đầu sợi cáp đứt. Để tăng độ chắc chắn tôi tiếp tục lấy dây thép niêm cuốn
thêm bên ngoài vài vòng và xoắn chặt lại.
Giây phút hồi hộp nhất đã đến, tôi soi đèn
nhìn như dán vào chỗ nối sau đó từ từ bóp “mỏ vịt” cần số, những sợi dây thép
niêm giãn ra rồi kéo theo cả sợi cáp khoá số. Cảm nhận từ các đầu ngón tay cho
phép tôi thấy được khoá số đã được mở ra, tôi giật mạnh cần số- cần số đã về được
vị trí số “không”, tôi thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng. Sau khi căn
chỉnh lại độ căng dây cáp khoá số theo tiêu chuẩn tôi còn thử đi thử lại vài lần
nữa thấy chắc chắn mới yên tâm. Nhìn đồng hồ đã quá nửa đêm, tôi ngả ghế lái xe
ngủ một giấc thật ngon.
Sáng 28/4, chúng tôi cùng bộ binh Trung
đoàn 9, Sư đoàn 304 tiếp tục tiến công địch phòng ngự ở Nước Trong hòng chọc thủng
cái chốt chặn này cho Binh đoàn thọc sâu của quân đoàn tiến về Sài Gòn. Trước
tình thế không còn gì để mất, quân địch kháng cự điện cuồng, xe tôi bị thương
thủng tháp pháo, khẩu đại liên song song bên pháo bị hỏng, khẩu 12 ly 7
bị hất tung đi mất; pháo thủ hai Nguyễn Kim Duyệt và trưởng xe Nguyễn Đình
Luông bị thương nặng.
Thế là tôi nổ máy
quay đầu chạy về Trường Thiết giáp, nơi sáng nay tôi đã nhìn thấy có lá cờ trắng
với chữ thập đỏ ở giữa. Cả một nửa người Duyệt tơi tả vì mảnh đạn nhưng lại rất
tỉnh. Duyệt nắm tay tôi thều thào: “Quê ơi, tao đau lắm. Chắc tao không sống
được. Quê lấy súng cho tao một phát đi!”.
Kinh nghiệm chiến trường
làm tôi thấy lo vì những ai bị thương nặng mà tỉnh táo thường khó qua khỏi,
song lúc này tôi không dám nghĩ đến điều đó mà chỉ biết động viên Duyệt yên tâm
điều trị để chóng về với xe. Nhớ lại cả xe từ hôm qua đến giờ ăn uống không ra
làm sao cả, tôi bảo Thọ đi xin cho Duyệt cốc sữa. Vừa bón cho Duyệt từng thìa sữa
nhỏ tôi vừa thủ thỉ chuyện trò, nhắc lại những câu chuyện mà hai chúng tôi đã từng
nói với nhau lúc dừng chân trên đường hành quân. Uống gần hết cốc sữa thì Duyệt
thiu thiu ngủ. Một bác sỹ đến xem xét rồi yêu cầu chúng tôi ra
ngoài.
Tôi và Thọ lên xe
lấy đồ để lại cho Duyệt. Moi cái ba lô vùi trong vành tháp pháo ra
cả hai cùng ngã ngửa vì trong ba lô chỉ có một cái võng, một bộ quần
áo cũ, một tờ 10 đồng tiền Bắc cùng một bó sách. Tôi liếc qua thấy mấy
cuốn: Từ điển Anh- Việt, Việt- Anh, Pháp- Việt, Việt- Pháp, Sách học
tiếng Anh, tiếng Pháp, Sách học ghi- ta... Thọ có vẻ hối hận vì hôm
trước nó đã tưởng nhầm rằng Duyệt kiếm được cái gì quý lắm nên
mới cất ba lô kỹ thế, trong khi cả 3 chiếc ba lô của bọn tôi đều để
ngoài xe và đã bị bay mất.
Tôi và Thọ bàn giao ba lô của Duyệt cho trạm Quân y rồi vào thăm Duyệt và Luông. Thấy cả hai đã ngủ nên chúng tôi quay ra xe. Thọ cứ tần ngần vì không nói được với Duyệt lời xin lỗi. Tôi an ủi nó: “Mấy hôm nữa Duyệt về mày nói cũng được” rồi nổ máy cho xe chạy về An Viễn. Chiều tối, khi tôi ngủ dậy thì nghe tin pháo hai Nguyễn Kim Duyệt đã hy sinh. Vậy là pháo thủ Thọ sẽ không bao giờ kịp nói lời xin lỗi với đồng đội.
Xe tăng 380 tiến vào Dinh Độc lập. Ảnh tư liệu/NVCC
Mặc dù chỉ còn 2 người
nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đi theo đội hình. Tôi bảo Thọ: Mày cứ nạp quả đạn
xuyên vào đây, coi như viên đạn sinh tử, gặp xe tăng địch thì mới bắn, còn lại
cứ để hết cho tao. Cuối cùng, trong đội hình Thê đội
2 của Binh đoàn thọc sâu, "con tuấn
mã 380" đầy mình thương tích vẫn đưa chúng tôi tới dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.
Nhiều lúc tôi cứ băn khoăn tự hỏi, nếu đêm qua mình và cả xe
không quyết tâm khắc phục hỏng hóc mà báo cáo lên trên xe hỏng thì liệu Duyệt
có hi sinh không?
Tôi biết, rất nhiều đồng đội tôi đã làm như thế, nhất là khi hành quân bằng xe tăng không phải mang vác nặng như anh em bộ binh. Bản thân tôi, vì đã thi Đại học và đủ điểm rồi nên tôi không mang theo bộ SGK nữa mà chỉ mang cuốn “Sổ tay toán học sơ cấp” của Bucopxki (Liên Xô). Điều đó cũng không lạ bởi chúng tôi nói riêng và dân tộc ta nói chung đâu có muốn chiến tranh, chỉ muốn yên ổn để học hành thành tài dựng xây đất nước nhưng “kẻ thù buộc ta ôm cây súng” mà thôi! Ôm cây súng đó song lúc nào cũng mong ngày trở về thực hiện ước mơ còn dang dở. Ngay pháo hai Nguyễn Kim Duyệt của xe tôi cũng vậy. Nguyên là sinh viên năm thứ hai Đại học Nông nghiệp, anh hy sinh chỉ để lại trong ba lô một bó sách đủ các loại mà thôi.
Khi Sài Gòn được giải
phóng, cảm xúc đầu tiên của ông là gì?
- Cảm giác đầu tiên là
vui sướng tuyệt đỉnh, Tôi và Thọ đứng ngoài sân ôm nhau nhảy tưng tưng trong niềm
hạnh phúc, tự hào tột cùng. 30 năm chiến tranh để có được giờ phút này mà mình
lại có mặt ở đây, niềm sung sướng tự hào không thể kể hết được. Nhưng vài phút
sau, khi trở lại trong xe ngồi thì một cảm giác khác xâm chiếm lòng mình. Lúc
này tôi mới để ý mùi máu trong khoang máy xộc lên thật kinh khủng. Trận đánh từ
hôm 28/4, những vết máu vẫn còn bê bết mà tôi chưa có thời gian lau dọn…
Tôi bỗng rưng rưng nhớ
đến những đồng đội đã hy sinh. Các anh đã đổ máu, ngã xuống mà không được có mặt
trong ngày vui như thế này. Tôi thoáng nghĩ rằng, cuộc kháng chiến thực sự là một
cuộc trường chinh rất dài mà con đường đến Dinh Độc Lập là cây số cuối cùng. Với
tâm trạng đó, tôi lấy sổ ghi vội mấy ý thơ:
“Khi chiếc xe tăng dừng
trước Dinh Độc Lập.
Ta ngỡ ngàng - đây thật
hay mơ?
Cây số cuối cùng - cuộc
trường chinh dằng dặc.
Đến rồi chăng? Hai mắt
bỗng rưng nhòa”.
Sau giải phóng miền Nam, “chiến mã
380” còn hoạt động ở chiến trường nào không thưa ông, hiện nay chiếc xe này thế
nào?
- Sau 30/4/1975, xe 380 mặc dù bị thương
song vẫn nằm trong đội hình Lữ đoàn XT 203. Tháng 12/1978, 380 đã cùng đơn vị
hành quân thần tốc lần thứ hai vào Quân khu 9 để tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam của
Tổ quốc và làm nhiệm vụ Quốc tế.
Tháng 2/1979, khi Trung Quốc
xâm lăng 6 tỉnh phía Bắc, nó lại cùng đơn vị làm cuộc hành binh thần tốc lần thứ
ba ra bảo vệ biên cương phía Bắc. Và cho đến nay, 380 vẫn nằm trong biên chế xe
chiến đấu của Lữ đoàn XT203. Thỉnh thoảng tôi vẫn lên thăm nó. Rất cảm ơn các chiến sĩ trẻ ở 203 đã thực sự “giữ
tốt, dùng bền”.
Thưa Đại tá, được biết
ngoài vai trò là một quân nhân, với vai trò là một nhà văn ông đã xuất xuất bản
hơn chục cuốn sách viết về cuộc kháng chiến của dân tộc. Ngoài ra, ông cũng rất
tích cực hoạt động trên mạng xã hội và đã kết nối rất nhiều đồng đội cũ…
- Sau khi nghỉ hưu, tôi
suy nghĩ mình sẽ làm gì trong thời gian còn lại, Tôi và nhiều anh em cựu chiến
binh trải qua một cuộc chiến tranh khốc liệt như thế, nơi ranh giới giữa sự sống
và cái chết vô cùng mong manh. Nay mình được sống trở về tức là nhờ có sự hy
sinh của rất nhiều đồng đội, họ đã chết để mình được sống. Vì thế, tâm trạng của
chúng tôi ngoài sự thương tiếc còn luôn cảm thấy có một món nợ đeo đẳng. Để trả
món nợ ấy, không có cách nào tốt hơn là viết về cuộc sống, chiến đấu và hy sinh
của đồng đội tôi, để cho hậu thế biết và không quên được họ.
Tôi quyết định sẽ dành những năm tháng còn lại của đời mình để trả món nợ
tinh thần trước các đồng đội đã hy sinh vì nước, trước hết là những đồng đội
trong chính tập thể nhỏ bé, thân thương của mình - Đại đội Xe tăng 4. Những tác
phẩm của tôi như một nén tâm nhang thắp cho những người đã khuất và cũng là món
quà tặng cho những người đồng đội đã rời quân ngũ đang ngày đêm bươn chải với đời
thường.
Lính xe tăng có một đặc điểm riêng so với các binh
chủng khác đó là sự gắn bó với nhau. Có lẽ xuất phát từ thực tế chiến đấu để chiến đấu
được thì một kíp xe không phải là một người mà là bốn, năm người. Như nhà thơ Hữu Thỉnh đã ví “như năm ngón tay trên một bàn tay”, phải gắn bó với nhau, hợp đồng chặt chẽ, chưa
nói đã hiểu để cùng chiến đấu. Thế nhưng, sau chiến tranh mỗi
người mỗi nơi, chưa nối lại được liên lạc. Vì thế, khi mạng xã hội phát triển,
tôi đã quyết định lập nhóm “lính xe tăng” để kết nối những đồng đội cũ và cả
những người yêu mến những người lính xe tăng. Đến nay nhóm này đã thu hút
khoảng 30.000 người tham gia.
Đất nước ta trải qua chiến tranh rất
dài, hy sinh mất mát rất lớn, là người lính trải qua chiến đấu, ông có suy nghĩ
gì về việc đất nước có được hòa bình và phát triển như ngày nay, chúng ta phải
làm sao để bảo vệ hòa bình bền vững?
- Đó là nguyện vọng, là mong muốn của cả dân
tộc Việt Nam chúng ra. Và thật may, giữa một thế giới nhiễu nhương nhiều biến động
Đảng – Nhà nước ta đã xác định được phương sách bảo vệ nền hoà bình đó. Đó là
“thêm bạn bớt thù”, đó là đường lối ngoại giao “cây tre”.
Tuy nhiên, không được lơi là việc tăng cường
sức mạnh quốc phòng- an
ninh,
đảm bảo đánh thắng mọi kẻ thù nếu chúng liều lĩnh xâm lăng mảnh đất này.
Xin cảm ơn Đại tá!
Đại tá, Nhà văn Nguyễn
Khắc Nguyệt là tác giả của các tập sách: Bút ký lính tăng, Hành trình đến Dinh
Độc Lập và 1 chọi 10 trận đấu tăng bi tráng… Cuốn sách mới nhất của ông là “Xe
tăng trong chiến tranh ở Việt Nam-Lịch sử nhìn từ tháp pháo”, gồm 8 chương, mỗi
chương đều mang đến cho độc giả nhiều thông tin đặc sắc về sự ra đời và trưởng
thành, lớn mạnh của Binh chủng Tăng Thiết giáp Việt Nam trong suốt quá trình lịch
sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học được Bộ Chính trị điều động giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025.
Nghệ sĩ Ưu tú Kim Tử Long là một trong 50 nghệ sĩ tham gia diễu binh mừng đại lễ 30/4. Anh đã có mặt từ buổi sơ duyệt và tổng duyệt trong những ngày qua.
Thực hiện các kỹ năng chiến đấu nơi thao trường dễ dàng hơn nhiều việc thực hiện nó trong môi trường khốc liệt của chiến đấu thực tế. Chỉ có những chiến binh dày dạn mới có thể bình tĩnh sử dụng các kỹ năng mà mình được trang bị.
Sáng 30/4, Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành cấp Quốc gia 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được tổ chức trọng thể tại tuyến đường Lê Duẩn (quận 1) và một số tuyến đường trung tâm. Tổng Bí thư Tô Lâm và nhiều Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khách mời quốc tế cùng hàng vạn người dân tham dự.
Chương trình nghệ thuật "Rạng rỡ non sông Việt Nam" diễn ra với nhiều tiết mục hoành tráng, ý nghĩa, thể hiện niềm tự hào của toàn dân tộc trong ngày kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất.
Nhân tố ‘lạ’ HAGL cao 1m88 lọt ‘mắt xanh’ HLV Kim Sang-sik; M.U có thể gọi Rashford trở lại; HLV Mourinho muốn chiêu mộ Chiesa; AS Roma có thể bổ nhiệm Fabregas; Darwin Nunez được Atletico Madrid quan tâm.
“Phát triển đất nước phải song hành với trách nhiệm quốc tế, đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, vì hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu…” – đó là thông điệp mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng Xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) Việt Nam năm 2025, tổ chức ở Hà Nội giữa tháng 4/2025.
Từ nền kinh tế nghèo đói, lạc hậu và chậm phát triển chịu chiến tranh tàn phá, bị bao vây cấm vận, 50 năm sau dưới nỗ lực đổi mới và phát triển, Việt Nam đã trở thành quốc gia có quy mô GDP đứng top 30 thế giới.
“Người già vui có mái ấm, trẻ em yên tâm học tập và người lao động có thêm động lực sản xuất” - đó là chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành tại buổi lễ tổng kết và trao nhà.
Từ rạng sáng, các nghệ sĩ và dàn Hoa hậu, Nam vương đã tập trung đông đủ để chuẩn bị cho lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. "Tôi tham gia đại lễ 30/4 trong vai trò đại biểu với niềm cảm xúc biết ơn, xúc động trào dâng", NSND Trịnh Kim Chi chia sẻ với Dân Việt.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày thứ Ba tuyên bố rằng đã đến lúc Moskva và Kyiv cần đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm chấm dứt chiến tranh tại Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng Mỹ sẽ rút lui khỏi vai trò trung gian hòa giải nếu không đạt được tiến triển nào.
Công an TP.Đà Nẵng chính thức lên tiếng bác bỏ thông tin sai lệch, xuyên tạc vụ án "Bợm Phước", khẳng định không có sự bao che, dung túng tội phạm từ cơ quan chức năng. Đề nghị người dân tỉnh táo, không chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng.
Ông Hoàng Thanh, Hội Cựu chiến binh xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan (Ninh Bình) cho biết, nhiều năm nay tại xã luôn có hàng chục hộ chăn nuôi hươu lấy nhung bán cho khách làm thuốc có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Sau khi sáp nhập tỉnh, chúng tôi rất kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm để giúp người dân có thu nhập cao hơn.
Các đơn vị hành chính cấp tỉnh giáp ranh với tỉnh Phú Thọ mới sau sáp nhập sẽ bao gồm: Thủ đô Hà Nội và các tỉnh: Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Trong không khí tháng Tư lịch sử, Việt Nam rộn ràng chào đón du khách quốc tế đến chung vui ngày hội thống nhất non sông. Không chỉ tham quan, khám phá văn hóa, nhiều du khách xem đây là dịp đặc biệt để tìm hiểu sâu hơn về hành trình dựng nước, giữ nước của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, kiên cường và không ngừng vươn lên trong kỷ nguyên mới.
Trong bài phát biểu tối 29/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông có ý định tấn công vào lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng tại Moscow vào ngày 9/5.
Gần 50 năm về trước, sau ngày giải phóng đất nước năm 1975, chuyến tàu đầu tiên nối liền hai miền Bắc - Nam chính thức lăn bánh vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí những người trong ngành đường sắt.
Liên quan đến vụ ông Nguyễn Vĩnh Phúc (42 tuổi, ngụ ấp Bang Chang, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn) nổ súng bắn người rồi tự sát, tối ngày 29/4, thông tin với phóng viên Dân Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan vào cuộc.
Là một huyện trung du miền núi của tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ đang có những bước đổi thay mạnh mẽ từng ngày nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ một huyện thuần nông với nhiều khó khăn, Đại Từ đã vươn mình trở thành điểm sáng của tỉnh Thái Nguyên về xây dựng nông thôn mới với những kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực.
Nhiều người thức xuyên đêm ở các quán cà phê có view đẹp tại trung tâm TP.HCM để chờ diễu binh 30/4. Cuộc “giành” chỗ không kém phần căng thẳng so với các “khối” trên khắp tuyến đường Lê Lợi, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Huệ…
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, Thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với Thượng tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về những trận chiến vang dội một thời khói lửa, về giá trị của ngày thống nhất toàn vẹn non sông...