Từ một lãnh đạo điều hành ngân hàng, một người sáng lập quỹ đầu tư Việt Nhật, một nhà sáng lập công ty phần mềm kế toán trong giai đoạn cải cách chế độ Kế toán Việt Nam thời kỳ đổi mới; nay ông
Phan Đức Trung, nhà sáng lập Công ty 1Matrix, với vai trò Kiến trúc sư trưởng
mạng dịch vụ blockchain “Make in Viet Nam” đang là người dẫn dắt một nỗ lực táo
bạo: Đưa Việt Nam từ vai trò “sử dụng
công nghệ nước ngoài”, để trở thành “quốc gia tạo lập hạ tầng công nghệ”. Với ông, đó không phải là tham vọng, mà
là trách nhiệm.
Và ông Trung cũng tin rằng đây là
thời điểm thích hợp để làm việc đó, khi Bộ Chính trị trong một thời gian ngắn
đã ban hành hai văn bản quan trọng, là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024
về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
quốc gia và Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân.
Thưa ông, vì sao ông lại quyết định thành lập 1Matrix trong bối cảnh ngành blockchain Việt Nam vẫn còn nhiều định
kiến và chưa có hành lang pháp lý rõ ràng?
- Chúng tôi thành lập 1Matrix với ba
mục tiêu đơn giản. Thứ nhất, làm điều không ai muốn làm và cả chính chúng tôi
cũng từng ngần ngại. Nhưng chính sự "không ai muốn làm" ấy, đồng
nghĩa với việc không ai cạnh tranh với mình. Tôi chấp nhận làm những việc
"lỗ" ấy. Người ta bảo việc này tốn tiền, làm xong chẳng biết thu về
gì và tôi thừa nhận điều đó là đúng. Nhưng nếu chúng ta đủ mạnh để tồn tại và
làm tới cùng thì có thể tạo ra một lợi thế không ai có.
Thứ hai, trở lại vấn đề trước khi có
Nghị quyết 57, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược blockchain quốc gia
theo Quyết định số 1236/QĐ-TTg. Trong đó, giao trọng trách: "Hiệp hội Blockchain Việt Nam có trách nhiệm
xây dựng, tìm kiếm đơn vị làm blockchain Make in Việt Nam”. Chúng tôi tìm
mãi, không thấy ai sẵn sàng, nên chúng tôi đành tự làm.
Nhiệm vụ này cũng cho thấy Chính phủ
đã nhìn thấy tiềm năng của blockchain – không phải ở góc độ token, mà là một
“mạng dịch vụ blockchain”. Điều này có lẽ dựa trên những nghiên cứu đầy đủ từ
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, đặc biệt là từ các bài
học từ sự phát triển mạnh mẽ của blockchain ở Trung Quốc, châu Âu, và gần đây
là tại Ả Rập Xê Út cùng nhiều các quốc gia khác.
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Nhà sáng lập - Chủ tịch Công ty 1Matrix trò chuyện với phóng viên báo điện tử Dân Việt.
Thứ ba, xã hội chúng ta đang quá
hứng thú với tài sản mã hóa. Tuy nhiên, tài sản mã hóa chỉ là một ứng dụng của
công nghệ blockchain. Blockchain không chỉ là nơi giao dịch token, đó là hạ
tầng dữ liệu thế hệ mới, có thể ứng dụng và định hình lại toàn bộ hệ thống quản
lý bằng cấp, tài sản, quyền sở hữu đất đai, dịch vụ tài chính,... Đấy mới là ý
nghĩa thực sự của blockchain và chúng tôi muốn cộng đồng nhìn nhận những vấn đề
này một cách đúng đắn.
Ví dụ, một khoản vay qua blockchain
có thể xử lý trong 5 giây, trong khi hệ thống ngân hàng truyền thống cần vài
ngày. Một blockchain mạnh có thể xử lý 300.000 giao dịch mỗi giây - còn Visa,
Mastercard chỉ khoảng 25.000 giao dịch. Từ góc độ công nghệ, tôi cho rằng
blockchain là một công nghệ vượt trội, mang lại tiềm năng tài chính và đem lại
ưu thế.
Có vẻ như ông đang rất tin tưởng vào
những quyết sách lớn của Bộ Chính trị, Chính phủ thời gian qua, đặc biệt là
Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68?
- Trước năm 2022, blockchain thường bị
đánh đồng với tiền ảo. Điều này khiến cả công chúng và các nhà hoạch định chính
sách e dè. Mỗi khi Bitcoin tăng giá, cộng đồng lại phấn khích; nhưng khi nó
giảm sâu, thái độ lại quay ngoắt sang phản đối nghi ngờ.
Giờ mọi thứ đã thay đổi rất lớn. Lần
đầu tiên, Bộ Chính trị đề cập trực tiếp đến blockchain trong Nghị quyết số 57-NQ/TW và xác định
đây là một trong những công nghệ chủ chốt để thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh
tế hai chữ số.
Ngày 15/1/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm
đã đến dự Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI -
"Make in Vietnam" của Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là bộ Khoa
học và Công nghệ) và tặng hoa cho các đơn vị nhận nhiệm vụ theo định hướng
chiến lược của Nghị quyết 57, trong đó có blockchain.
Đó là dấu hiệu cho thấy chuyển động
của thể chế chính trị đang bắt kịp với thực tiễn công nghệ, Nghị quyết 57 không
chỉ tác động đến việc điều chỉnh luật, hành lang xây dựng pháp lý mà còn được
khẳng định là nguồn lực thúc đẩy kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 68-NQ/TW
ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân cũng được Bộ Chính trị ban hành là
một tín hiệu chính sách cực kỳ mạnh. Nó không chỉ mở đường cho doanh nghiệp tư
nhân nói chung, mà còn giúp doanh nghiệp công nghệ như chúng tôi vững tin hơn
khi đầu tư dài hạn. Nghị quyết này tạo ra động lực mạnh mẽ, đồng bộ với mục
tiêu tăng trưởng kinh tế hai chữ số được nêu trong Nghị quyết 57.
Trong quá khứ, chi phí R&D (chi
phí nghiên cứu và phát triển) của doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ bị
ràng buộc bởi nhiều quy định phức tạp, thường bị xem là "rủi ro", khó
đưa vào hạch toán. Nay, chi phí nghiên cứu đã được khuyến khích đến mức cho
phép tính tới 200%, một ưu đãi rất thực chất.
Tuy vậy, về mặt pháp lý, chúng ta
vẫn còn thiếu một khung pháp lý hoàn chỉnh cho blockchain. Nhưng điều quan
trọng là tinh thần của các Nghị quyết mà Bộ Chính trị vừa ban hành thời gian
gần đây đã khuyến khích cách tiếp cận linh hoạt, vượt lên sự máy móc của văn
bản. Đó là điểm khác biệt căn bản với cách làm trước đây.
Như ông nói, vẫn còn thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh cho blockchain, điều này ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động
của các doanh nghiệp như 1Matrix?
- Đúng là hệ thống pháp lý hiện nay
chưa hoàn thiện. Nhưng tôi tin rằng tinh thần cải cách trong hai nghị quyết này
là rất tích cực. Chúng không chỉ tạo động lực chính sách, mà còn thay đổi cách
các cơ quan nhà nước nhìn nhận doanh nghiệp công nghệ mới.
Chúng ta cần hiểu rằng, hệ thống
luật pháp Việt Nam thuộc loại dân luật (Civil Law), không phải thông luật
(Common Law). Điều này có nghĩa là các quy định pháp luật chỉ có thể được thực
thi hiệu quả khi có văn bản chi tiết ban hành từ Quốc hội, tiếp theo phải có
Nghị định và Thông tư hướng dẫn cụ thể. Các cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào đó
để xử lý. Chính vì vậy mà tới đây, khi Luật Công nghiệp và Công nghệ số được
Quốc hội thông qua sẽ là một dấu mốc cực kỳ quan trọng nền tảng để các hệ thống
văn bản thực thi được ra đời.
Tại Luật này, lần đầu tiên tài sản
số, tài sản mã hóa, tài sản ảo đã được định nghĩa cụ thể trong đó. Khi ta gọi
đúng tên là “tài sản”, thì ta có thể viện dẫn Bộ luật Dân sự để bảo vệ nó. Đặc
biệt, Điều 51 của Luật này quy định quyền phân loại tài sản số thuộc về Chính
phủ, cho thấy một sự gợi mở rất lớn. Vì vậy, việc các lớp tài sản mới được hình
thành và định nghĩa sẽ giúp việc thực thi, ứng dụng được dễ dàng hơn.
Chúng tôi cũng được biết sắp tới
Chính phủ ban hành danh mục các Công nghệ chiến lược có blockchain và các sản
phẩm công nghệ chiến lược của công nghệ này cũng được định nghĩa. Những nền
tảng đó kết hợp với sự thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo sẽ tạo
ra một hệ sinh thái ứng dụng công nghệ blockchain Việt Nam hết sức phong phú
trong tương lai.
Có vẻ như 1Matrix đang xây dựng một
tầm nhìn lớn hơn nhiều so với khái niệm "layer-1". Ông có thể nói rõ
hơn?
- Hầu hết mọi người khi nghe
"layer-1" nghĩ đó là thứ gì đó rất lớn nhưng thực tế nó chỉ là công
nghệ đơn giản. Một nhóm kỹ sư Việt Nam có thể xây dựng một layer-1 cơ bản trong
vòng một tuần dựa trên mã nguồn mở có sẵn. Đội ngũ của chúng tôi làm điều đó
trong một ngày. Nó chỉ là một phần nhỏ trong cả hạ tầng blockchain tổng thể mà
chúng tôi đang xây dựng.
1Matrix không phát triển phần mềm
đơn lẻ, mà xây dựng mạng blockchain dịch vụ, hướng tới quy mô quốc gia, một hệ
điều hành dữ liệu, có thể tích hợp tài chính, công nghệ, và dịch vụ công. Có
rất nhiều vai trò ứng dụng của công nghệ này, ví dụ như xử lý các dữ liệu tập
trung khi hệ thống bị nghẽn, hoặc xây dựng các hệ thống xử lý dữ liệu giá rẻ
hơn.
Chúng tôi thành lập 1Matrix không
phải là công ty đi bán layer-1 mà mục tiêu nhằm bắt đầu từ 1Matrix xây dựng một
mạng blockchain quốc gia, có thể làm nền tảng cho dữ liệu dân sự, tài sản,
thanh toán và quản lý công – tư.
Bắt đầu từ 1Matrix nhưng không thể
đứng riêng lẻ một mình làm được hết hệ thống này. Hiện các nền tảng, mạng lưới
blockchain quốc tế lớn đã bắt đầu tiếp cận chúng tôi để tìm cơ hội kết nối vì
họ thấy rõ rằng “chúng tôi không cạnh tranh, chúng tôi định hình hạ tầng”.
Dường như 1Matrix đang bước vào một cuộc chơi rất lớn?
- Đây là cuộc chơi tốn kém, đòi hỏi
nhiều nguồn lực, sự đoàn kết và thay đổi trong cách liên kết giữa các công ty
công nghệ như điện toán đám mây, bảo mật, dịch vụ dữ liệu… Câu hỏi hiện tại với
các công ty công nghệ không phải là "chúng ta có cạnh tranh nổi
không", mà là “nếu chúng ta không làm, thì ai sẽ làm thay?”.
Nếu hôm nay chúng ta không bắt đầu
thì sẽ tiếp tục phụ thuộc hạ tầng nước ngoài. Còn nếu coi nó nằm trong chủ
quyền đất nước nhưng mà không làm đến cùng thì cũng sẽ thất bại.
Nhìn sang Trung Quốc, họ bắt đầu từ
2018 và giờ đang tạo ra một trật tự mới trong thế giới blockchain thông qua
mạng BSN Trung quốc. Châu Âu cũng tương tự, họ tạo ra một hạ tầng dùng chung
EBSI trên nền tảng blockchain và hướng vào khu vực dịch vụ công cũng bắt đầu từ
2019.
Trong chiến lược của 1Matrix, đâu là
những lĩnh vực mà công ty sẽ ưu tiên?
- Chúng tôi chia kế hoạch phát triển
thành hai giai đoạn.
Trong giai đoạn đầu tiên – cũng là
quan trọng nhất – 1Matrix sẽ tập trung hoàn thiện hạ tầng nền tảng các phân
quyền, cầu nối các chuỗi và các cơ chế đồng thuận ưu tiên khác nhau. Nghĩa là
khi người ta vẫn còn bàn nhiều về khái niệm “layer-1”, chúng tôi sẽ từng bước
đưa vào vận hành một hệ thống chứa rất nhiều layer-1 và người dùng sẽ không còn
phải quan tâm đến “layer” nào nữa cả. Lúc họ sẽ chỉ thấy một nền tảng ứng dụng
hiệu quả, ổn định và kết nối liền mạch mà không cần phải biết công nghệ đằng
sau.
Giai đoạn hai chúng tôi hướng vào
cung cấp dịch vụ blockchain cho các giao dịch ngân hàng và các công ty lớn có
ưu tiên giao dịch nhỏ, các giao dịch dưới chuẩn có độ phủ rộng và ưu tiên tốc
độ cạnh tranh ở chi phí vận hành thấp. Ứng dụng hạ tầng xác thực và danh tính
cho các hệ sinh thái doanh nghiệp hoặc khi vực dịch vụ công gia tăng.
Tóm lại hệ thống dịch vụ ứng dụng sẽ
sẽ ưu tiên triển khai vào hai khu vực: dịch vụ công và khu vực tư nhân mà thị
trường và xã hội Việt Nam đang cần nhất.
Vậy khu vực dịch vụ công – như ông
từng ví von là “đang tắc nghẽn” – sẽ được 1Matrix tiếp cận như thế nào?
- Hệ thống dịch vụ công hiện nay đang
cần đầu tư lớn và tương lai có thể gặp tình trạng quá tải do cấu trúc dữ liệu
tập trung. Lúc ấy cần bài toán tối ưu giữa chi phí đầu tư và giá trị đem lại.
Ví dụ như khu vực dữ liệu tập trung giai đoạn đầu sẽ rất tốn kém để thu thập và
xử lý dữ liệu. Nhưng bài toán khai thác dữ liệu làm sao giá thành từ dữ liệu
tập trung biến thành miễn phí cho người sử dụng thì chỉ có blockchain làm tốt
nhất.
Với blockchain, bài toán phân tán dữ
liệu sẽ mở ra một hướng đi khác: bền vững, ít tốn kém và linh hoạt hơn. Ví dụ,
chúng tôi có thể làm việc với các công ty bất động sản lớn xây dựng về cơ sở dữ
liệu sản phẩm để thay đổi hoàn toàn cách ghi chép, xử lý dữ liệu, thay cho
phương pháp lưu trữ và xác minh theo cách rất truyền thống hiện nay trong giao
dịch bất động sản.
Còn khu vực tư nhân, đặc biệt là tài
chính – ngân hàng thì sao?
- Tài chính – ngân hàng là một ngành
đặc thù về quản trị rủi ro và chi phí hoạt động trong ngành này vẫn rất cao.
Mức lương trung bình vượt 50% so với các ngành khác. Nhưng không phải hoàn toàn
vì nhân lực ưu tú hơn, mà vì cơ chế quản trị rủi ro phức tạp, cần rất nhiều
tầng kiểm soát, quy trình và phòng ngừa sai sót.
1Matrix tin rằng, AI kết hợp
blockchain sẽ là công cụ giúp tái cấu trúc quản trị rủi ro theo hướng rẻ hơn,
minh bạch hơn và hiệu quả hơn, đặc biệt là ở tầng giao dịch nhỏ.
Hãy tưởng tượng bạn mua một chiếc
bấm móng tay giá 20.000 đồng – trước đây, chẳng ai giao đến tận nhà cho bạn vì
chi phí logistics vượt xa giá trị món hàng. Nhưng hôm nay, thương mại điện tử
đã phá vỡ điều đó, mặt hàng 10.000 - 20.000 đồng vẫn được chuyển tận nơi, gần
như “miễn phí vận chuyển” nhờ hạ tầng logistics hiệu quả.
Blockchain, theo tôi, cũng sẽ lặp
lại điều kỳ diệu đó nhưng trong tầng giao dịch tài chính. Ví dụ như mức chênh
lệch (margin) giữa lãi vay; hay những khoản chuyển tiền nhỏ, những hợp đồng tài
chính nhỏ, những ứng dụng micro-finance (ứng dụng tài chính vi mô)...
blockchain có thể giải quyết được.
Tuy vậy, nếu chỉ đi theo khu vực tư,
chúng tôi sẽ bỏ lại khoảng trống rất lớn trong dịch vụ công. Còn nếu chỉ lo
dịch vụ công sẽ chậm nhịp chuyển đổi của thị trường.
Trong cơ cấu cổ đông của 1Matrix có bóng dáng của một ngân hàng lớn là Techcombank. Ông có thể làm rõ vai trò của
Techcombank và liệu điều đó có mang lại lợi thế tài chính đáng kể cho 1Matrix
trong hành trình xây dựng hạ tầng blockchain?
- Techcombank không phải cổ đông của
1Matrix. Nhưng mối quan hệ của chúng tôi là rất đặc biệt, thông qua hệ sinh
thái One Mount và sự kết nối cá nhân với anh Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng
Techcombank. Anh Hồ Hùng Anh là người luôn cổ vũ cho công nghệ và sự ra đời của
1Matrix. Rất may mắn là tôi và anh Hùng Anh đã tìm được tiếng nói chung: “Công
nghệ không phải để độc quyền, mà để đem lại giá trị cho khách hàng và hãy bắt
đầu nó trên hệ sinh thái Techcombank”.
Chúng tôi chia sẻ rằng blockchain sẽ
là một “hệ thần kinh số” trong tương lai và hệ sinh thái Techcombank – từ ngân
hàng, công ty chứng khoán đến hệ thống bán lẻ – cần một nền tảng như vậy. Chúng
tôi muốn chứng minh rằng sự thay đổi về công nghệ có thể mang lại giá trị lớn
cho các cổ đông, hệ sinh thái Techcombank và của khách hàng.
Nhưng điều quan trọng hơn: Chúng tôi không xây
blockchain cho riêng hệ sinh thái Techcombank. Mục tiêu của 1Matrix là phục vụ
một cấu trúc mở bắt đầu nhanh nhất có thể và hướng tới một hạ tầng cho Việt
Nam.
Ông nhấn mạnh rằng 1Matrix không làm
sản phẩm để bán cho mỗi Techcombank. Vậy mô hình hợp tác cụ thể giữa hai bên là
gì?
- 1Matrix không cung cấp sản phẩm
thương mại độc quyền. Chúng tôi phát triển nền tảng hạ tầng “Make in Việt Nam”
và nếu Techcombank có thể là khách hàng đầu tiên, họ sẽ là “người dẫn dắt”
trong việc định hình ứng dụng trong bài toán với 1Matrix.
Có nghĩa, chúng tôi không có nhiệm
vụ phải làm cho Techcombank, mà đòi hỏi bộ phận công nghệ của Techcombank cùng
chúng tôi làm tiếp. Bài toán sẽ truyền thống do Techcombank đặt ra và 1Matrix
sẽ thực hiện lời giải công nghệ trên hạ tầng đó.
Trên thế giới các bài toán này đã
được chứng minh nếu giải bằng công nghệ blockchain sẽ đem lại ưu việt như thế
nào. Chúng tôi cam kết sẽ làm điều đó như một nhà chuyển giao công nghệ nước
ngoài và nội địa hoá trên hạ tầng mà Việt Nam làm chủ.
Cách làm này giúp tránh xung đột lợi
ích. Nếu chúng tôi bán cho Techcombank, các ngân hàng khác sẽ e dè. Nhưng nếu
chúng tôi cung cấp nền tảng hạ tầng dùng chung, thì mọi ngân hàng, kể cả MB,
BIDV hay ACB, đều có thể tham gia mà không lo bị “đóng khung”.
Và chúng ta sẽ dần thay đổi quan
niệm này. Làm hạ tầng không phải để phục vụ riêng ai. Càng nhiều người dùng hạ
tầng thì chi phí sử dụng càng rẻ và càng tối ưu.
Ví dụ như việc thúc đẩy cloud nodes,
chúng tôi làm việc với các đối tác đa dạng: Viettel, VNPT, CMC, FPT, thậm chí
mong muốn cả Amazon, Google cùng tham gia. Mỗi bên có vị trí riêng trong thúc
đẩy hạ tầng cloud.
Liệu có rào cản nào khiến các ngân hàng đã đầu tư công nghệ core banking từ nước ngoài muốn đầu tư thêm mạng
blockchain không? Ví dụ như chi phí đầu tư hay mâu thuẫn giữa hai công nghệ
khác nhau?
- Thực tế, công nghệ hiện tại của các
ngân hàng đang cung cấp online là web 2.0. Các ngân hàng đang tìm kiếm lợi ích
corebanking từ web3 là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, web3 và web 2.0 bản
chất luôn tồn tại song song và hướng tối ưu nó cũng khác nhau. Điều này có
nghĩa là công nghệ blockchain sẽ hoạt động đúng như mong đợi bên cạnh hệ thống
hiện tại, mà không đòi hỏi việc thay đổi triệt để hay bỏ đi những gì đã có.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với
các lãnh đạo ngân hàng đó là tâm lý sợ mất kiểm soát dữ liệu và chưa quen với
những khái niệm như “phi tập trung”. Blockchain có một ưu thế cốt lõi: minh
bạch và khả năng truy vết. Giống như khái niệm "giải trình AI"
(responsible AI), blockchain mặc định là hệ thống giải trình, từng dòng dữ liệu
đều có dấu vết, không ai có thể chỉnh sửa trong bóng tối.
Rào cản thứ hai là chi phí đầu tư.
Nhưng ứng dụng blockchain sẽ được thiết kế để hoạt động như một lớp kết nối mềm
(add-on) với hệ thống hiện tại, không cần thay toàn bộ hệ thống Core Banking.
Đây không phải là cuộc đại phẫu, mà là sự kết nối nhẹ, nhanh và hiệu quả.
Có ví dụ nào cụ thể hơn cho thấy blockchain sẽ tạo ra sự tăng trưởng đột biến cho doanh nghiệp khi họ sử dụng? Và ông hy vọng sau Techcombank doanh nghiệp nào sẽ là khách hàng tiếp theo của
1Matrix?
- Một ví dụ điển hình thành công trong
ứng dụng công nghệ blockchain là ngân hàng phát triển từ WeChat (Trung Quốc).
Điều mà nhiều người không biết là họ không chỉ chạy trên WeChat thông thường;
thay vào đó, họ vận hành trên một nền tảng blockchain xuất sắc nhất do Trung
Quốc thiết kế, gọi là FISCO BICOS.
Tôi đánh giá đây là nền tảng xuất
sắc, vượt trội hơn cả các nền tảng khác. Họ đã âm thầm phát triển và không quá
quan tâm đến việc quảng bá, nhưng họ đã tạo ra một ngân hàng với 400 triệu tài
khoản, gấp 10 lần số tài khoản của HSBC. WeChat là ngân hàng có thể giải ngân
khoản vay cá nhân trong vòng 5 giây và đối với tổ chức trong vòng 5 phút.
Có thể nói, mô hình ngân hàng dựa
trên WeChat ở Trung Quốc gần như vượt qua mọi giới hạn về khả năng tiếp cận và
hoạt động. Trong khi các ngân hàng Việt Nam chưa thể hoạt động xuyên quốc gia
thực chất thì WeChat đã vươn ra hoạt động ở hơn 60 quốc gia.
Tôi rất hy vọng khách hàng của chúng
tôi đều là những đơn vị hàng đầu tại Việt Nam. Vì blockchain không phải là giải
pháp "phù hợp cho tất cả". Nó phát huy tối đa hiệu quả khi áp dụng
vào những lĩnh vực có chi phí cao, dữ liệu lớn, cần sự minh bạch và quản trị
rủi ro phức tạp, nơi mà giá trị mà nó mang lại là cực kỳ đáng kể.
Ông Trung chia sẻ về những thăng trầm của thị trường blockchain, mà còn mong muốn có được một hạ tầng số "Make in Vietnam", do người Việt viết mã, vận hành và làm chủ hoàn toàn về công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ.
Trong bối cảnh hành lang pháp lý cho blockchain tại Việt Nam vẫn chưa thực sự rõ ràng, 1Matrix thuyết phục khách
hàng của mình như thế nào?
- Chúng tôi chưa thuyết phục khách
hàng. Giai đoạn này, chúng tôi tập trung vào xây dựng công nghệ, kết nối với
đối tác quốc tế, và tìm kiếm các nhóm kỹ sư tốt nhất để huấn luyện chuyên sâu.
Chúng tôi dành 6 tháng đầu tiên để
lắng nghe kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước - về chuyển giao công nghệ, bảo mật,
quản trị rủi ro, chứ không lao vào “bán hàng”. Nếu chúng tôi không tạo ra một
môi trường tin cậy, thì không ai dám dùng công nghệ do một doanh nghiệp mới như
1Matrix phát triển.
Tôi nghĩ môi trường pháp lý hiện tại
rất “thuận về tư tưởng”, nhưng chưa “thuận về thực hành”. Chúng ta có Nghị
quyết 57 về đổi mới sáng tạo, có Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân,
và có cả cam kết xây trung tâm tài chính quốc tế. Nhưng nếu bạn không phân biệt
rõ đâu là hạ tầng, đâu là dịch vụ cộng đồng, đâu là mô hình kiếm lời thì mọi
thứ sẽ bị nhầm lẫn.
Chúng ta cần minh bạch cấu trúc vận
hành của mô hình blockchain: Phần nào là hạ tầng công cộng; Phần nào là dịch vụ
trả phí; Phần nào là hoạt động thương mại?Chỉ khi giải được bài toán đó,
blockchain mới có thể đi xa tại Việt Nam.
Chúng tôi không chạy theo “sự nóng
sốt”, cũng không tìm cách kiếm lợi từ sự mơ hồ của người khác. Điều chúng tôi
đang làm là xây móng cho một hạ tầng số đáng tin cậy, để đến một ngày, người
dân có thể sử dụng công nghệ blockchain mà không cần biết “block” là gì, “hash”
là gì – họ chỉ cần thấy an toàn, minh bạch và dễ dùng.
Nếu quay lại, ông có tiếp tục chọn tái khởi nghiệp bằng công nghệ blockchain này không?
- Nếu có cơ hội quay lại, tôi sẽ mua
Bitcoin vào năm 2012, thời điểm tôi bắt đầu tìm hiểu và rời công việc tại ngành
ngân hàng. Lúc ấy giá Bitcoin là 10 - 12 USD.
Tôi từng đánh giá thấp nó, thậm chí
có cái nhìn tiêu cực. Khi 10 USD nó vô nghĩa, 80 USD nó là một cơ hội và 200
USD thì nó chắc chắn là lừa đảo rồi. Diễn biến tâm lý đó bất kể người nào cũng
sẽ phải trải qua. Nhưng sau đó bạn sẽ hiểu được triết lý giá trị hoà lẫn thiết
kế công nghệ và tầm nhìn dài hạn bạn sẽ thấy đằng sau nó là giá trị của phi tập
trung. Cái mà xã hội càng phát triển thì càng cần, sự pha trộn gắn kết của tập
trung và phi tập trung trong triết ký blockchain.
Mưa lớn và nước lũ dâng cao trong đêm 23 và sáng 24/7, đã khiến nhiều khu vực ở Nghệ An bị cô lập. Lực lượng chức năng đã làm việc xuyên đêm để di dời người dân khỏi vùng ngập lụt, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, đồng thời triển khai khẩn trương công tác cứu hộ trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp.
Xác định tham gia diễu binh trên biển là nhiệm vụ vinh dự, cán bộ chiến sĩ trên các tàu tên lửa, săn ngầm thuộc Vùng 2 luôn tập trung huấn luyện đội hình, tác nghiệp vận động... bảo đảm thuần thục, chính xác, thống nhất.
Chứng thực bản sao, chữ ký cá nhân, hợp đồng, đó là những loại giấy tờ phổ biến Chủ tịch UBND xã có thẩm quyền xác nhận. Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng cho phép Chủ tịch xã được ủy quyền thực hiện chứng thực trong một số trường hợp cụ thể, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và hiệu quả quản lý hành chính.
TP.HCM đang đẩy mạnh việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy Hội Nông dân các cấp. Đây là động thái cụ thể hóa chủ trương của Trung ương và Thành ủy nhằm xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Phú Thọ, thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát đến nay tỉnh Phú Thọ (sau sáp nhập 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình) đã hỗ trợ khởi công xây dựng 10.760 căn. Trong đó, số nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo được xây mới, sửa chữa là 5.762.
Cơ quan điều tra VKSND tối cao vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Tấn Hoàng (nguyên Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng, nay là Toà phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng) về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại khoản 2 Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Với niềm tin “thiên nhiên có mọi thứ ta cần”, thương hiệu Cỏ Mềm đã bền bỉ bảo vệ sự bền vững của Trái đất, trả lại giá trị cho cộng đồng với dự án trồng rừng mang tên “Rừng An Lành”.
Khi đại lộ Tây Thăng Long hoàn thiện, không chỉ là một tuyến giao thông chiến lược của Thủ đô, đây còn được xem là đòn bẩy quan trọng giúp giá bất động sản dọc hành lang phát triển mới tăng tốc, mở ra biên lợi nhuận hấp dẫn cho những nhà đầu tư nhanh nhạy.
Mới đây, đạo diễn Khương Dừa đã chia sẻ đoạn clip ghi lại chuyến ghé thăm nhà hàng của Nghệ sĩ Nhân dân Hữu Quốc và nghe chuyện kinh doanh khó khăn của nam nghệ sĩ.
Nam tài xế Vũ Xuân B. (SN 1997) điều khiển ô tô Audi lạng lách trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai bị cảnh sát truy tìm. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định người này dương tính với ma túy.
Chính phủ Đức không nên đe dọa công dân của mình bằng một cuộc tấn công từ Nga, bởi vì Tổng thống Nga Putin đang hành động một cách lý trí, nghị sĩ Đảng Cánh tả Gregor Gysi phát biểu.
Nông dân Sơn La tích cực chuyển đổi số, nâng cao sản xuất, kết nối thị trường, nâng cao thu nhập, góp phần hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Hình thức “phạt tiền thay cho phạt tù” trong một số tội danh kinh tế không chỉ linh hoạt mà còn phản ánh xu thế tư pháp hiện đại, giúp tăng tính phục hồi, giảm tải cho hệ thống nhà tù và tòa án; đồng thời khuyến khích người phạm tội khắc phục hậu quả và hợp tác với pháp luật.
Một giống mận đột biến từ vườn nhà, một hướng đi khác biệt theo tiêu chuẩn hữu cơ, cùng sự đồng hành của tín dụng “tam nông” từ Agribank – tất cả đã góp phần tạo nên thương hiệu mận hồng Sân Tiên – sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đang vươn xa từ vùng đất Cù Lao Dung, TP Cần Thơ.
Giá USD hôm nay 24/7 nối dài chuỗi giảm ba phiên giảm liên tiếp khi thị trường thận trọng trước thời hạn áp thuế quan đối ứng 1/8. Trong khi đó, tỷ giá "chợ đen" bán ra giảm 30 đồng về mức 26.430 đồng/USD.
V.League 2025/2026 chuẩn bị chứng kiến cuộc đua vô địch khốc liệt chưa từng có. Không chỉ các ông lớn như CLB CAHN, những tân binh như Ninh Bình FC cũng vung tiền chiêu mộ hàng loạt ngôi sao, tạo nên thế cạnh tranh đầy kịch tính.
Đức đã yêu cầu Mỹ đảm bảo chắc chắn về việc cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Der Spiegel, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết Washington phải đưa ra các cam kết ràng buộc và đẩy nhanh quá trình thay thế cho các quốc gia chuyển giao Patriot cho Kiev.
Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) được công bố đang trở thành tâm điểm của giới chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 80% giá trị giao dịch chứng khoán. Do đó, bất kỳ thay đổi nào trong cách tính thuế cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý và hoạt động giao dịch trên thị trường.
Thanh tra Chính phủ sẽ triển khai đợt thanh tra diện rộng các dự án chậm tiến độ, vướng mắc, có nguy cơ thất thoát, lãng phí theo chỉ đạo của Thủ tướng, với quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Sau cơn sốt đầu năm, thị trường đất nền quý 2/2025 bắt đầu hạ nhiệt rõ rệt cả về nguồn cung lẫn mức độ quan tâm, trong khi đó căn hộ chung cư vươn lên dẫn dắt xu hướng đầu tư mới.
Trong bối cảnh mới khi cả nước vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp, sáp nhập 3 tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông, Lâm Đồng thành tỉnh Lâm Đồng mới, quy hoạch xã nông thôn mới đã không còn phù hợp và việc điều chỉnh quy hoạch đang được đặt ra.