Cách nhau dòng sông Đáy, thế nhưng hai ngôi làng có chung chữ đầu tên “La”: La Ngạn (Nam Định) và La Mai (Ninh Bình) lại có thêm điểm chung là làng khoa bảng.
Làng La Ngạn thuộc xã Yên Đồng (Ý Yên - Nam Định) được cho là có lịch sử lâu đời, vốn gốc từ xưa theo Nho giáo nổi tiếng với phẩm chất thông minh và hiếu học, nhiều thế hệ khoa danh còn lưu lại bia đá cho đến bây giờ.
Bên kia sông Đáy là làng La Mai thuộc xã Ninh Giang (Hoa Lư - Ninh Bình) cũng nổi tiếng chẳng kém, với câu ca “Sinh đồ họ Tống, Hương cống họ Bùi”.
Phong thủy làng La Mai

Làng La Mai (Ninh Bình) - nơi truyền tụng câu ca 'Sinh đồ họ Tống, Hương cống họ Bùi'.
Theo sách “Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình”, La Mai là một làng ven sông Đáy, được quy hoạch theo phép tỉnh điền xưa. Giữa làng có một con đường chính chạy từ đầu đến cuối làng, phía Bắc có con đường phụ chạy song song với con đường chính và có con ngòi chảy dọc.
Cắt ngang đường làng là bảy con đường chạy theo hướng Bắc - Nam, chia thành 6 ô. Bởi vậy, người La Mai xưa ca ngợi rằng: Địa hình La Mai/ Son tú thủy nhai/ Văn tinh tiền án/ Hậu sơn kỳ bài/ Liên hoa xuất thủy/ Vạn khoái oanh hồi.
Ý nghĩa tên làng La Mai có nghĩa “lụa mềm” bắt nguồn từ nghề dệt lụa xa xưa. Cho nên con gái La Mai trắng và đẹp nổi tiếng, đi vào câu ca “con gái La Mai, bánh gai Cám Giá”.
Làng La Mai được xây dựng lại vào thế kỷ 15. Theo truyền thuyết, thời Ngô (tức Minh) sát phu, hiếp phụ tàn phá làng. Ông tổ họ Đinh là Đinh Phúc Tướng và ông tổ họ Bùi là Bùi Xuân Mai đã giả mù giả què vào núi Dược lánh nạn, rồi trở về lập lại làng. Câu đối ở chùa Thượng đã nói lên điều đó: Mai ấp lập thành sắp tự Đinh Thúc Thủy/ Liên đài sảng khải khởi ư Bùi Xuân Tiên.