Những phát hiện khảo cổ học đáng kinh ngạc
Đồng Trương là hang karst nằm trong ngọn núi đá vôi Kim Nhan (thuộc xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An). Hang có cấu tạo hàm ếch với chiều cao 15m, nền hang rộng chừng 200m2, cửa rộng 15m.
Cách đó khoảng 30m có một dòng suối nước chảy quanh năm, cùng nhiều loại đá cuội. Nơi đây được các chuyên gia đánh giá là địa điểm cư trú lý tưởng của người tiền sử.
Di chỉ Đồng Trương được phát hiện năm 1998. Hai năm sau, Viện Khảo cổ học đào một hố thám sát rộng 7m2, cho thấy đây là một địa điểm chứa di tích của 2 nền văn hóa thuộc 2 thời đại khác nhau là văn hóa Hòa Bình thuộc thời đại đồ đá và tiền Đông Sơn thuộc thời đại kim khí (niên đại từ 12.000 - 2.000 năm TCN).
Đánh giá di chỉ khảo cổ này có tầm quan trọng đặc biệt, năm 2004, Viện Khảo cổ tiếp tục khai quật trên diện tích 50m2. Lần này, kết quả khai quật vượt ngoài mong đợi. Các nhà khảo cổ phát hiện hàng nghìn hiện vật gồm: Đồ đá, đồ gốm, đất nung, đồ đồng, đồ sắt, đồ thủy tinh, thổ hoàng, xương, răng động vật, dấu tích than tro bếp và mộ táng.
Có 1.173 di vật đồ đá, xương, răng động vật, dấu tích bếp lửa và mộ táng được xếp vào văn hóa Hòa Bình. Trong số này có 155 công cụ như chày, bàn nghiền, cuội ghè đẽo; 60 mảnh tước và 358 nguyên phế liệu chủ yếu bằng cuội suối.