Chiêm ngưỡng “dải lụa” hơn 1.200 km trên cao tốc Bắc - Nam

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành, đưa vào khai thác trên 1.200 km so với tổng chiều dài hơn 2.000 km toàn dự án. Hiện tại, dự án đang trong quá trình hoàn thành giai đoạn hai nhằm kết nối giao thông, sớm thông xe toàn tuyến từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Dự án cao tốc Bắc - Nam triển khai giai đoạn một bắt đầu từ năm 2017 với 11 dự án thành phần dài trên 650 km. Từ đầu năm 2023, dự án bước vào giai đoạn hai với việc khởi công đồng loạt 12 đoạn tuyến từ Hà Tĩnh đến Cần Thơ, với tổng chiều dài khoảng 730 km. Với nỗ lực và quyết tâm cao để cụ thể hóa mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030, sau hơn 8 năm triển khai, dự án đã hoàn thành trên 1.200 km.

Với 800 km còn lại của giai đoạn hai, mục tiêu là sẽ hoàn thành và thông xe vào cuối năm 2025. Trong đó, các đoạn dự kiến hoàn thành dịp 2/9 sắp tới gồm Vũng Áng - Bùng; Vạn Ninh - Cam Lộ; Hoài Nhơn - Quy Nhơn; Quy Nhơn - Chí Thạnh; Chí Thạnh - Vân Phong và 13 km cuối của tuyến Vân Phong - Nha Trang.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về kết quả kiểm tra, đôn đốc triển khai kế hoạch hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc đến hết năm 2025 của 7 đoàn công tác do các Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng đoàn. Thủ tướng yêu cầu dứt khoát tới tháng 12/2025 phải thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng qua Lạng Sơn về Hà Nội, vào TP Hồ Chí Minh và tới Đất Mũi (Cà Mau) và cho biết mục tiêu 3.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2025 là khả thi.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, không được chủ quan mà phải tiếp tục phát huy tinh thần tiến công, thần tốc, đột phá hơn nữa; quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền; tăng cường kiểm tra, đôn đốc.

Báo Điện tử Dân Việt xin giới thiệu một số tuyến cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành.

Cao tốc Lạng Sơn - Bắc Giang (64,9 km)

Cao tốc Lạng Sơn - Bắc Giang nằm trong thành phần dự án cao tốc Bắc - Nam, là tuyến đường huyết mạch thuộc hành lang kinh tế phía Bắc, kết nối Hà Nội với cửa khẩu Hữu Nghị, góp phần thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Dự án có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng, chiều dài khoảng 64,9km, điểm đầu tại xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, điểm cuối nối với điểm cuối dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: Trường Sơn.
Giai đoạn 1 có 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, bề rộng nền đường 25m, vận tốc thiết kế 100km/h. Ở giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, bề rộng nền đường 32,25m, vận tốc 100km/h. Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thông xe kỹ thuật vào ngày 29/9/2019 đưa vào khai thác từ ngày 15/1/2020. Ảnh: K26.

Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang (45 km)

Năm 2016, Bộ GTVT chính thức thông xe dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang (cao tốc Hà Nội - Bắc Giang) sau hơn 18 tháng triển khai. Tuyến đường có chiều dài 45 km, tổng vốn đầu tư 4.210 tỷ đồng. Đoạn đầu toàn tuyến tại cầu thu phí Phù Đổng cũ (Gia Lâm, Hà Nội), điểm cuối nằm ở nút giao quốc lộ 31 (TP Bắc Giang). Ảnh: Lê Hiếu.
Tuyến đường được nâng cấp mở rộng đi qua tỉnh Bắc Giang dài 33 km, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn dừng khẩn cấp, có dải phân cách giữa. Đoạn từ Hà Nội đến Bắc Ninh giữ nguyên hiện trạng cũ. Dự án này là phân đoạn trong tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Ảnh: Lê Hiếu - Mạnh Thắng.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (29 km)

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được nâng cấp thành cao tốc 6 làn xe và khánh thành đầu năm 2019, tổng mức đầu tư là 6.731 tỷ đồng. Ảnh: Lê Hiếu.
Dự án này dài khoảng 29 km với điểm đầu tại nút giao Pháp Vân với đường vành đai 3 (Hà Nội), điểm cuối nối tiếp với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Pháp Vân - Cầu Giẽ là cao tốc có lượng xe qua lại lớn nhất so với các tuyến cao tốc kết nối với thủ đô. Hàng ngày cao tốc này đón trên 50.000 lượt xe; doanh thu khoảng hơn 2 tỷ đồng. Ảnh: Lê Hiếu.

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (50 km)

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình kết nối chuyển tiếp với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) và điểm cuối ở địa phận TP Ninh Bình. Cao tốc này dài 50 km, khánh thành từ năm 2011 với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng. Ảnh: Duy Hiếu.
Đây là tuyến cao tốc đầu tiên ở Việt Nam có hệ thống cây keo lá tràm hai bên; cây cao hơn 3 m với tán lá rộng, chạy dài gần 50 km, tạo cảnh quan và không khí trong lành. Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình quy mô 4 làn xe, mỗi bên hai làn ôtô và một làn dừng khẩn cấp, cho phép xe chạy tối đa 120 km/h. Mỗi ngày trên cao tốc này trung bình có khoảng 23.000 - 25.000 lượt xe qua lại. Mức phí hiện nay được tính là 1.500 đồng cho mỗi km. Ảnh: Duy Hiếu.

Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn và Mai Sơn - Quốc Lộ 45 (tổng chiều dài 78,2 km)

Tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn có tổng mức đầu tư hơn 1.162 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 12/2019, thông xe vào ngày 4/2/2022. Tổng chiều dài tuyến chính là 15,2km; đường gom 22km; 7 cầu và 3 hầm chui dân sinh, tốc độ tối đa 80km/h. Ảnh: Lê Hiếu.
Cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 đi qua địa phận hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa có chiều dài hơn 63 km. Điểm đầu tại nút giao Mai Sơn, huyện Yên Mô (Ninh Bình) kết nối với đường cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn và điểm cuối giao với đường Nghi Sơn – Thọ Xuân tại xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, Thanh Hóa nối tiếp với đường cao tốc Quốc lộ 45 – Nghi Sơn. Ảnh: Lê Hiếu.
Cao tốc được thiết kế quy mô 6 làn xe, nền đường 32,25 m, đạt vận tốc thiết kế 120 km/h, giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng 4 làn xe hạn chế, nền đường 17 m, đạt vận tốc thiết kế 80km/h. Giống như tuyến Cao Bồ - Mai Sơn, cao tốc Mai Sơn - QL45 cũng không có làn dừng khẩn cấp liên tục mà thay vào đó là các vịnh dừng khẩn cấp, mỗi vịnh cách nhau khoảng 4-5 km. Ảnh: Quang Vinh.

Cao tốc Quốc Lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu (tổng chiều dài 92,8 km)

Đoạn cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có chiều dài 43,28 km, thông xe kỹ thuật ngày 1/9/2023, chính thức khánh thành ngày 18/10/2023. Cao tốc được xây dựng 4 làn xe, nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 90km/h. Ảnh: Hữu Dụng.
 Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 6 làn xe, nền đường 32 m, vận tốc thiết kế 100-120km/h. Ảnh: Lê Hiếu.
Tuyến Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km, trong đó đoạn qua Thanh Hóa dài 6,5 km và đoạn qua Nghệ An dài 43,5 km, điểm đầu tại nút giao với đường Nghi Sơn - Bãi Trành, tiếp nối với đường cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, điểm cuối giao với quốc lộ 7, kết nối với đường cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt tại xã Diễn Cát. Tuyến có nền đường rộng 17 m, vận tốc tối đa 90km/h. Ảnh: Lê Hiếu.

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt và Bãi Vọt - Hàm Nghi (tổng chiều dài 84,5 km)

Cao tốc Bắc Nam tuyến Diễn Châu - Bãi Vọt thông xe tháng 30/6/2024. Tổng chiều dài dự án khoảng 49,3 km, đi qua hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tổng mức đầu tư 11.157 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Ảnh: Lê Tập.
Tuyến Bãi Vọt - Hàm Nghi có chiều dài 35,28 km, tổng mức đầu tư hơn 7.643 tỷ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh dự kiến mở rộng lên 6 làn xe, nền đường rộng 32,25 m. Dự án vừa được thông xe kỹ thuật vào ngày 19/4/2025. Ảnh: Lê Tập.

Cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng (54,2 km)

Cao tốc Bắc - Nam tuyến Hàm Nghi - Vũng Áng dài 54,2 km, đi qua các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Dự án có tổng mức đầu tư 9.734 tỷ đồng. Ở giai đoạn phân kỳ tuyến có 4 làn xe, nền đường rộng 17m, tốc độ thiết kế tối đa 90km/h, giai đoạn hoàn chỉnh dự kiến mở rộng lên 6 làn xe, nền đường rộng 32,25 m, tốc độ thiết kế 120km/h. Ảnh: Lê Tập.
Công trình được thông xe kỹ thuật vào ngày 19/4/2025. Ảnh: Lê Tập.

Cao tốc Bùng Vạn Ninh (48,8 km)

Tuyến cao tốc Bùng - Vạn Ninh dự kiến hoàn thành toàn bộ trước ngày 30/6/2025 tới đây, trước đó đã thông xe kỹ thuật vào ngày 19/4/2025. Dự án có chiều dài 48,84 km, tổng mức đầu tư 9.361 tỷ đồng, kéo dài qua các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Tiền Phong.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn (98,3 km)

Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn khánh thành ngày 31/12/2022, là một phần quan trọng của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nối liền tỉnh Quảng Trị và TP Huế. Cao tốc có chiều dài 98,3km, điểm đầu giao với quốc lộ 9 tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, điểm cuối tại nút giao La Sơn, kết nối với đường cao tốc La Sơn - Túy Loan và đường tỉnh 14B tại huyện Phú Lộc (TP Huế). Ảnh: Viết Niệm.
Tuyến đường đang được khai thác với quy mô 2 làn xe, và dự kiến sẽ được mở rộng lên 4 làn xe trong năm 2025. Ảnh: Viết Niệm.

Cao tốc La Sơn - Túy Loan (77,5 km)

Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan tổng mức đầu tư gần 11.500 tỷ đồng, khởi công vào tháng 12/2013, khánh thành vào tháng 4/2022. Tổng chiều dài toàn tuyến 77,5 km nối từ ngã ba La Sơn vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Viết Niệm.
Giai đoạn 1, cao tốc được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 với quy mô 2 làn xe, bề rộng mặt đường 12m và tốc độ thiết kế 60 - 80km/h. Ở giai đoạn 2, dự án sẽ được mở rộng lên thành 4 làn xe với bề rộng mặt đường khoảng 24m, tương đương với chặng Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Viết Niệm.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (139,2 km)

Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là đoạn đường cao tốc đầu tiên tại miền Trung Việt Nam, thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: BQL DA.
Chiều dài toàn tuyến là 139,2 km, trong đó đoạn cao tốc chính dài 131,5km, đoạn nối quốc lộ 1A dài 7,7 km. Công trình đi qua thành phố Đà Nẵng (7,9 km), tỉnh Quảng Nam (91,2 km) và tỉnh Quảng Ngãi (40,1 km). Dự án được khởi công năm 2013, thông xe kỹ thuật ngày 2/9/2018, tổng mức đầu tư 34.516 tỷ đồng. Ảnh: Báo Chính Phủ.

Cao tốc Vân Phong - Nha Trang (83 km)

Cao tốc được đầu tư với tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng đã được khai thác đoạn 70km để kịp phục vụ người dân dịp lễ 30/4/2025. Dự án dài hơn 83 km đi qua thị xã Ninh Hòa và ba huyện Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, khu kinh tế Vân Phong, 4 làn xe, vận tốc tối đa 90km/h. Ảnh: Thế Anh/CTV.
Điểm đầu dự án nối phía nam hầm Cổ Mã (huyện Vạn Ninh), nằm gần quốc lộ 1, điểm cuối giao với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. 13 km còn lại nằm ở đầu tuyến dự kiến xong vào 30/6 để đưa toàn bộ dự án hoàn thành vượt tiến độ 6 tháng. Ảnh: Công Tâm/Dân Việt.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (49,11 km)

Tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài 49,11 km thông xe ngày 19/5/2023. Dự án có điểm đầu tại nút giao với quốc lộ 27C thuộc huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), điểm cuối tại nút giao quốc lộ 27B, TP Cam Ranh (Khánh Hòa). Ảnh: Công Tâm/Dân Việt.
Tại giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ nâng lên 6 làn xe, bề rộng nền đường hơn 32 m, tốc độ 120km/h. Ảnh: Theo LNĐ.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (78,5 km)

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5 km kết nối Khánh Hòa với Bình Thuận, đi qua địa bàn Ninh Thuận được thông xe kỹ thuật ngày 26/4/2024. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 8.925 tỷ đồng. Ảnh: Đức Cường.
Kể từ khi khánh thành, dự án giúp kết nối thông suốt tuyến cao tốc từ TPHCM đến Nha Trang, rút ngắn thời gian di chuyển. Ảnh: Quang Đăng.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây (tổng chiều dài 148,3 km)

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km với tổng mức đầu tư khoảng 10.853 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Cao tốc được thông xe kỹ thuật ngày 19/5/2023, khánh thành ngày 18/6/2023. Ảnh: CTV/Bùi Phụ/Dân Việt.
Với chiều dài 99 km, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua các tỉnh Bình Thuận (47,5 km) và Đồng Nai (51,5 km). Công trình có tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng, khởi công ngày 30/9/2020, thông xe và khánh thành ngày 29/4/2023. Ảnh: Nha Mẫn.

Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (55,7 km)

Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến đường quan trọng trong hệ thống giao thông của Việt Nam, với chiều dài khoảng 55,7km. Tuyến cao tốc này bắt đầu từ nút giao An Phú (TP HCM) và kết thúc tại nút giao Dầu Giây. Ảnh: VTC News.
Dự án được khởi công xây dựng vào ngày 3/10/2009, thông xe toàn tuyến vào ngày 8/2/2015 với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/h, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 997,67 triệu USD. Sắp tới sẽ dự kiến quy mô mở rộng đoạn từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 từ 4 lên 8 làn xe; đoạn từ Vành đai 3 đến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu từ 4 lên 10 làn xe. Ảnh: Etime/Dân Việt.

Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận (96,13 km)

Cao tốc TPHCM - Trung Lương khánh thành ngày 3/2/2010, là một phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối TP HCM với các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Với chiều dài khoảng 40 km, đây là tuyến cao tốc đầu tiên của Việt Nam, được đưa vào khai thác từ năm 2010. Ảnh CTV/MQ/Xuân Huy/Dân Việt.
Tính đến tháng 5/2025, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài khoảng 96,13 km. Ảnh: Báo Ấp Bắc.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (22,97 km)

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài 22,97 km, đi qua hai tỉnh Vĩnh Long (12,52 km) và Đồng Tháp (10,45km). Điểm đầu của tuyến kết nối với đường dẫn cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long; điểm cuối tại nút giao Chà Và, kết nối với quốc lộ 1 tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Huỳnh Xây.
Tổng mức đầu tư ban đầu hơn 4.800 tỷ đồng, sau điều chỉnh tăng lên khoảng 5.826 tỷ đồng để bổ sung các hạng mục như nút giao Võ Văn Kiệt và đường gom dân sinh. Công trình khánh thành ngày 24/12/2023 cùng với cầu Mỹ Thuận 2, thông xe hai chiều cuối tháng 12/2023. Ảnh: Huỳnh Xây.