Thứ tư, ngày 16/07/2025 07:00 GMT+7

Hàng loạt khu tập thể lâu đời ở Hà Nội trong cảnh “không lối thoát"

Lê Minh Thứ tư, ngày 16/07/2025 07:00 GMT+7
Nhiều khu tập thể cũ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao do tình trạng cơi nới “chuồng cọp”, hệ thống điện xuống cấp, thiếu trang thiết bị phòng cháy chữa cháy.
Hiện Hà Nội đang có hàng chục khu tập thể, với tuổi đời từ 30 đến gần 70 năm. Hầu hết các khu tập thể này đã xuống cấp, sập xệ, trong đó có nhiều khu nổi tiếng của Hà Nội như; khu tập thể Nghĩa Tân; khu tập thể Thành Công; khu tập thể Kim Giang; khu tập thể Trung Tự…
Tại khu tập thể Kim Giang, gần 100 căn đều cơi nới ”chuồng cọp”, điều này gây không ít khó khăn cho việc phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn mỗi khi có sự cố.
Các ”chuồng cọp” được cơi nới với diện tích dưới 10 m2. Hầu hết được quây kín bằng sắt cỡ lớn. Nhiều người nói rằng, việc quây kín như vậy biến các khu tập thể, căn hộ tại đây thành một không gian “không lối thoát”.
Nhà chức trách cảnh báo, việc cơi nới, bịt kín các lối thoát hiểm, đặc biệt là khu vực ở cửa sổ, ban công khiến việc phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn rất khó khăn. Hình ảnh ghi nhận tại khu tập thể Nghĩa Tân ngày 15/7.
Đặc biệt khi mới đây xảy ra liên tiếp các sự cố cháy nổ liên quan đến các khu tập thể, chung cư cũ như vụ cháy đau lòng khiến 8 người tử vong, xảy ra tại cư xá Độc Lập (TP.HCM).
Tại một tầng 2 của khu tập thể Kim Giang, các lối ra vào khoá cửa cả ngày, phía ban công thì cơi nới để trưng dụng làm nơi phơi đồ, lắp điều hoà…
Hầu hết các căn nhà trong khu tập thể chỉ rộng từ 20 đến hơn 30 m2, nhưng sau khi cơi nới có thể rộng lên gấp đôi. Tronh ảnh, một ”chuồng cọp” được cơi nới tại khu tập thể Nghĩa Tân, ngày 15/7.
Khu tập thể Trung Tự trên đường Tôn Thất Tùng chi chít “chuồng cọp”. Các khu tập thể cũ thường xây dựng với quy mô từ 2 - 5 tầng, kết cấu tường gạch hoặc bê tông cốt thép, thiết kế không đồng bộ về hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Ngoài ra các công trình này được xây dựng trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực, không có hệ thống báo cháy tự động, không đảm bảo lối thoát hiểm. Hình ảnh tại khu tập thể Thành Công, ngày 14/7.
Nhiều hộ dân sau khi mua nhà theo Nghị định 61/CP đã cơi nới, lắp đặt “chuồng cọp” để mở rộng diện tích sinh hoạt, khiến việc tiếp cận cứu hộ trong tình huống khẩn cấp trở nên vô cùng khó khăn.
Một hộ dân lắp đặt luôn bể nước trong nhà. Tại khu tập thể này, xung quanh đã xuống cấp, các lối đi lại ẩm thấp, chật chội.
Hệ thống điện chằng chịt tại nhiều khu tập thể ở Hà Nội.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy tại các khu tập thể cũ, cần có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, ngành xây dựng, công an và chính người dân. “Trước mắt, cần rà soát, đánh giá nguy cơ từng khu vực để đưa ra giải pháp phù hợp, đồng thời lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm, thiết bị chữa cháy tại chỗ, tổ chức tập huấn định kỳ cho cư dân”, đại diện Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam cho biết.
Hiện các dự án cải tạo chung cư cũ vẫn đang chờ triển khai đồng bộ, để giảm thiểu rủi ro, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân trước và khi xảy ra sự cố, cần nâng cao ý thức của người dân, ý thức phòng cháy chữa cháy trong cộng đồng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.