Thứ tư, ngày 23/04/2025 13:45 GMT+7

AI và ảnh: Viễn cảnh tuyến đường sắt tốc độ cao đi từ Hà Nội tới Quảng Ninh chỉ mất 30 phút?

Lê Minh Thứ tư, ngày 23/04/2025 13:45 GMT+7
Dự án đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Quảng Ninh có vận tốc 300 km/h, thời gian di chuyển chỉ còn khoảng 30 phút.

Một tập đoàn lớn vừa đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Quảng Ninh, phục vụ vận tải hành khách, có vận tốc lên tới 300 km/h, thời gian di chuyển chỉ khoảng 30 phút. Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương về đề xuất đầu tư xây dựng dự án tuyến đường sắt chở khách Hà Nội - Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các tuyến đường sắt trên hành lang Hà Nội - Quảng Ninh có vai trò quan trọng trong kết nối của vùng đồng bằng sông Hồng.

Chính phủ hoan nghênh đề xuất của doanh nghiệp trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông bảo đảm tiêu chí pháp lý với thủ tục nhanh nhất.

Cùng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhìn về viễn cảnh nếu dự án đường sắt này được thông qua.

Tập đoàn này đề xuất được nghiên cứu và đầu tư xây dựng dự án đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh theo phương thức PPP, hình thức hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO) để giảm gánh nặng đầu tư, vận hành cho nhà nước. Ảnh: AI.
Viễn cảnh đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Quảng Ninh đi qua những tòa nhà cao tầng của Hà Nội qua góc nhìn của trí tuệ nhân tạo AI. Ảnh: AI.
Nếu dự án này được cấp có thẩm quyền chấp thuận, đây sẽ là một cú hích quan trọng trong việc phát triển du lịch, đầu tư cho Hà Nội và Quảng Ninh. Ảnh: AI.
Hình ảnh tuyệt đẹp về đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Quảng Ninh qua AI. Ảnh: AI.
Tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua TP Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh: AI.
Đại diện tập đoàn này cho rằng, việc đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Nịnh với tốc độ thiết kế là 120 km/h là không phù hợp với thực tế công nghệ hiện nay và không đáp ứng được nhu cầu của hành khách cũng như không đủ hấp dẫn để cạnh tranh với các phương tiện giao thông đường bộ trong bối cảnh các tuyến đường bộ cao tốc từ Hà Nội đến Quảng Ninh ngày càng được hoàn thiện, thuận tiện hơn cho việc di chuyển. Ảnh: AI.

Trước đó, vào cuối tháng 1/2025, Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) đã kiến nghị Chính phủ phương án hoàn thiện tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. Theo Bộ GTVT, dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được triển khai từ năm 2004, nhưng dở dang, đến nay quy hoạch có nhiều thay đổi, trước đây thời điểm lập dự án trên cơ sở kết quả dự báo nhu cầu vận tải chủ yếu là hàng hóa, trong đó thu hút hàng hóa từ khu vực Vân Nam của Trung Quốc kết nối với cảng Cái Lân (Quảng Ninh).

Hiện nay, quy hoạch cảng biển có điều chỉnh, trong đó tập trung phát triển tại khu vực Hải Phòng (cảng Lạch Huyện), tuyến đường sắt kết nối trên Hành lang Đông - Tây là tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Theo quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch địa phương đối với hành lang kết nối các địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh có nhiều di sản văn hóa, khu du lịch, nên nhu cầu vận tải hành khách lớn.

Kết quả dự báo trên tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân mới nhất cho thấy, nhu cầu vận tải hành khách cao hơn, hàng hóa thấp hơn so với trước đây. Điều này khiến công năng của dự án đã có sự thay đổi, vận chuyển hành khách là chính. Bên cạnh đó, Dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng Tiểu dự án 1 (đoạn Hạ Long - cảng Cái Lân), như vậy chỉ xem xét đầu tư 3 tiểu dự án còn lại. Thực tế hiện nay, Tiểu dự án 4, đoạn Yên Viên - Lim đi trùng với quy hoạch tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng. Hiện trạng đoạn tuyến này đang là đường đơn khổ đường lồng 1.435 mm và 1.000 mm, chưa cần phải đầu tư mà vẫn đáp ứng yêu cầu về khai thác của dự án. Như vậy, chỉ còn lại Tiểu dự án 2 và 3 cần phải nghiên cứu đầu tư theo hướng xây dựng mới đoạn Lim - Phả Lại để thông tuyến và nâng cấp, cải tạo tuyến cũ đoạn Phả Lại - Hạ Long, đảm bảo nối thông tuyến từ Yên Viên đến cảng Cái Lân như mục tiêu ban đầu đề ra.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng đề xuất nghiên cứu điều chỉnh từ đường đơn khổ lồng thành đường đơn khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, vận tốc 120 km/h và điều chỉnh chức năng, vị trí của một số ga dọc tuyến phù hợp với nhu cầu vận tải, bảo đảm quy hoạch đô thị, phát triển du lịch (như ga Chí Linh). Số vật tư đã mua còn dư sẽ được chuyển cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để phục vụ công tác bảo trì các tuyến đường sắt quốc gia hiện hữu.

Ước tính, sơ bộ nghiên cứu tiếp tục đầu tư theo phương án trên cần khoảng 4.000 tỷ đồng. Như vậy, xét với cả khối lượng đã thực hiện trước đây do dừng giãn thì sơ bộ tổng chi phí đầu tư dự án khoảng 8.300 tỷ đồng (tăng so với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 700 tỷ đồng).

Ai và ảnh

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.