Thứ năm, ngày 24/04/2025 08:00 GMT+7

Về Quảng Nam tận mắt thấy ngôi làng cổ tuổi đời trên trăm năm đẹp như tranh vẽ

Trương Hồng - Nguyễn Hưng Thứ năm, ngày 24/04/2025 08:00 GMT+7
Làng Lộc Yên có hơn 190 hộ dân với gần 2.000 khẩu, hiện nơi đây còn hàng chục ngôi nhà cổ, có tuổi đời trên trăm tuổi, hầu hết được làm bằng gỗ mít.

Làng cổ Lộc Yên nằm bên sông Đá Giăng, thuộc thôn 4 (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), cách Quốc lộ 40B về phía đông nam khoảng 3 km. Làng có tổng diện tích tự nhiên trên 275 ha, gồm có 4 xóm; Xóm Vực Dài, xóm Lò, xóm Vực Tre, xóm Chồi Lu (nay đổi tên thành xóm Cửa Đình). Con suối nhỏ khởi nguồn từ Vũng Dội (thôn 5) chảy ngang qua làng theo hướng từ tây sang đông rồi đổ ra sông Đá Giăng. Làng Lộc Yên có hơn 190 hộ dân với gần 2.000 khẩu, sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, làm vườn trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc gia cầm...
Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, vào khoảng thời Tây Sơn, cuối thế kỷ XVIII, ông Nguyễn Công Tuyết người làng Tận Phước (Tam Kỳ) đã đưa gia đình cùng một số dân đinh đến đây khai hoang lập làng, đặt tên là Lộc An, về sau gọi là Lộc Yên với ý nghĩa là cầu mong phước lộc của làng được yên ổn. Tháng 9/2019, làng cổ Lộc Yên được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia, là một trong 4 làng cổ đẹp nhất Việt Nam.
Hầu hết các ngôi nhà cổ cũng như nhà mới xây dựng từ cổng ngõ vào nhà được nối dài bằng các bậc cấp bằng đá cao thấp, rộng hẹp khác nhau tùy theo diện tích và địa hình khu vườn. Người dân thường dùng những phiến đá đủ lớn, bề mặt bằng phẳng để xếp thành lối đi, những viên đá hộc có kích thước nhỏ hơn được dùng để xây tường rào
Tại làng cổ Lộc Yên, người dân còn tạo nên những hàng rào bằng cây chè ta nhằm giữ được vẻ đẹp của vùng nông thôn, từ đầu cổng vào nhà ít thấy dùng bằng xi măng cốt thép. Nơi đây được ví là "thiên đường sống" của vùng nông thôn.
Làng Lộc Yên nói riêng và huyện Tiên Phước được mệnh danh là xứ sở của những ngõ đá, tường đá và hàng rào đá độc đáo. Hầu như ở vùng đất này, nhà nào cũng có ngõ đá, dù là những ngôi nhà cổ hay mới được xây. Những lối ngõ đặc biệt được xếp từ các viên đá tự nhiên có rất nhiều ở vùng đất này, chạy giữa vườn cây xanh, nhiều tầng bậc và khúc quanh, dài dằng dặc.
Làng Lộc Yên hiện còn hàng chục ngôi nhà cổ, có tuổi đời trên dưới 150 năm được làm bằng gỗ mít. Các ngôi nhà cổ nơi đây thường được dựng nên bởi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân làng mộc Văn Hà (Phú Ninh). Trong đó, tiêu biểu là ngôi nhà của cụ Nguyễn Huỳnh Anh (đã được công nhận di tích cấp tỉnh), vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn với lối kiến trúc 3 gian 2 chái, được chống đỡ bởi 16 cột cái to và 20 cột con bao bọc xung quanh, cùng những nét chạm trổ tỉ mỉ trên những đầu cột, kèo, bao lam, với những chiếc trính có xoi trái cốc, ghim trính, ghim kèo... cùng một kiểu thức riêng biệt của nhà có kèo “Tam đoạn”, “Tứ đoạn”.
Huyện Tiên Phước xác định Làng văn hóa du lịch Lộc Yên là điểm nhấn, là trung tâm du lịch của huyện. Theo đó, cùng với việc bảo tồn phát huy giá trị các di tích lịch sử, danh thắng trong phát triển kinh tế du lịch, huyện cũng đã xây dựng hệ sinh thái du lịch Lộc Yên và vùng phụ cận, trong đó tập trung khai thác những lợi thế của các điểm tiềm năng như làng cổ Lộc Yên, danh thắng Lò Thung, nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng, điểm sinh thái Xóm Bàu, xây dựng điểm bán hàng OCOP, xây dựng các mô hình homestay… đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp và nhân dân trong vùng cùng đầu tư xây dựng hạ tầng và các dịch vụ phục vụ phát triển du lịch như dịch vụ ẩm thực, điểm bán hàng lưu niệm, làng nghề truyền thống…
Du khách gần xa đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ tại làng cổ Lộc Yên và tự tay khám phá những chiếc bàn bằng gỗ mít, nếu đặt tay lên mặt bàn, bàn tự xoay chuyển theo hướng mình thích.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.